Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 715/PC-VPCP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, xử lý và trả lời kiến nghị của TW Hội Kinh tế Môi trường (VIASEE) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3892/BTNMT-ĐCKS gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng nêu trên và ngăn ngừa hoạt động khai thác thạch anh trái phép tái diễn tại khu vực này. Nội dung cụ thể như sau:
“Để giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng nêu trên và ngăn ngừa hoạt động khai thác thạch anh trái phép tái diễn tại khu vực này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh:
1, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ các khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản sâu rộng đến người dân tại thôn xóm, nơi dân cư có hoạt động khoáng sản; vận động nhân dân địa phương không khai thác khoáng sản trái phép;
2, Tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động khai thác thạch anh trái phép trên địa bàn”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 3892/BTNMT-ĐCKS gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng khai thác thạch anh trái phép trên địa bàn |
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của VIASEE đã liên tiếp đăng tải loạt bài viết gồm 11 kỳ về đường dây khai thác đá bạc (đá thạch anh) trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. VIASEE đã có văn bản số 06/TN-BCH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản.
Nội dung kiến nghị nêu rõ:
“Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường - cơ quan ngôn luận của VIASEE đã có loạt bài phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ diễn ra công khai nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào phát giác, sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan ban ngành đã cho thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương”.
“Một nước Việt Nam hùng cường quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi sự bền vững của môi trường! Trước thực trạng trên, VIASEE chúng tôi kính kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đưa ra những quyết sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài nguyên, khai thác chui, không giấy phép, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường để hướng đến phát triển bền vững. Chúng ta cần những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giữ lại nguồn lực cho tương lai, khai thác hợp lý tạo nguồn lực làm giàu cho đất nước.
Đặc biệt, VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan ban ngành Trung ương tăng cường giám sát, chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương, trong đó có vụ việc khai thác thạch anh trái phép tại tỉnh Hà Tĩnh hiện đang trong quá trình điều tra, xác minh, làm rõ”.
Xin bày tỏ sự trân trọng và hoan nghênh những chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường!
Tác giả: BBT
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn