Bụi “bao vây” nhà dân
Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân thôn Đông Trinh (Kỳ Trinh), những ngày cuối mùa đông, PV đã tìm về nhiều hộ gia đình sống quanh khu vực mỏ cát Thạch Anh trên.
Phản ánh với PV, ông Nguyễn Văn Huynh, nhà ngay gần vị trí mỏ cát Thạch anh cho biết: “Vào mùa đông như bây giờ thì đỡ, nhưng khoảng thời gian bắt đầu ra Tết cho đến hết mùa hè, khi gió Lào thổi mạnh anh chị cứ đến đây sẽ biết gia đình tôi và nhiều gia đình xung quanh khác sống khổ sở thế nào khi ở ngay gần mỏ cát Thạch anh này”.
Theo người dân phản ánh, vào màu gió Lào thổi mạnh, bụi từ Mỏ cát Thạch anh “bao vây” nhà dân |
“Vào mùa gió Lào thổi, bụi cát trong quá trình khai thác theo gió bay vào nhà, bám khắp nơi. Anh chị cứ tưởng tượng, từ nước uống cho đến cốc chén, bàn ghế, giường chiếu, quần áo đều bám đầy bụi. Người ở trong nhà cũng bị bụi bám vào da, có khi rửa mãi mới ra. Đồ đạc trong nhà được lau chùi sạch một lúc là lại bị bám đầy” – ông Huynh nói thêm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh là hộ sống sát mỏ cát Thạch anh nhất, ông Minh bức xúc: từ khoảng tháng 2 trở đi, khi gió Lào thổi mạnh gia đình ông sống trong tình trạng bị bụi từ mỏ khai thác cát “bao vây”.
Cứ đến mùa, nhà ông luôn phải bịt kín nhưng cũng không ngăn được bụi bay vào nhà, bám lên mọi đồ đạc. Thậm chí người nằm ngủ dậy là có thể thấy được bụi bám, in cả dấu người trên giường”.
Ông cho biết tình trạng này đã kéo dài mấy năm rồi, từ khi mỏ này đi vào khai thác. Rồi ông ngậm ngùi, lắc đầu ngao ngán: “Lại sắp đến mùa gió Lào, lại tình trạng bụi như các năm, gia đình tôi khổ sở lắm…không biết tình trạng này sẽ kéo dài như thế nào nữa, có ở vào tình cảnh gia đình tôi mới hiểu hết được. Việc ô nhiễm này không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng tôi, nhất là các cháu nhỏ”.
Ông Nguyễn Văn Minh (bên trái) đang phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương |
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Tri Hà – Phó chủ tịch xã Kỳ Trinh cho biết: trong các cuộc họp cử tri người dân cũng phản ánh rất nhiều.
Ông Hà cho biết có tình trạng về mùa gió Lào bụi rất nhiều như người dân phản ánh. Chính quyền xã nhận được phản ánh của nhân dân thì cũng đã mời đơn vị khai thác mỏ cát này về làm việc, họ cũng đã có một số biện pháp xử lí như phun nước tưới hay dùng bạt che, tuy nhiên những biện pháp này không xử lý hết được.
Cát vùi dập ruộng đồng
Ngoài việc gây ra tình trạng bụi bặm, từ khi mỏ cát Thạch anh này được đưa vào khai thác đã khiến một diện tích khá lớn ruộng đồng của bà con bị cát vùi dập nên không thể canh tác như trước được nữa.
Bà Nguyễn Thị Mành, vợ ông Huynh cho biết: trước đây gia đình bà có hai sào ruộng canh tác bình thường thì từ khi mỏ Thạch anh đi vào khai thác khiến cho cát vùi dập, nhất là vào mùa mưa khiến ruộng phải bỏ hoang.
Một số người dân có ruộng bị cát vùi lấp cũng đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã Kỳ Trinh về tình trạng này nhưng không thể khắc phục được.
Ông Nguyễn Tri Hà cho biết: Về việc bị cát vùi ruộng đồng, bà con cũng nói rất nhiều. Có khoảng tầm 5 sào ruộng của bà con và hồ nuôi tôm trong khu vực này bị cát vùi nên không thể sản xuất được nữa.
Ông Hà cho biết thêm: hàng năm công ty khai thác mỏ Thạch anh này cũng đã có nạo nét mương thoát lũ, tuy nhiên cứ đến mùa lũ là nước lớn, cát lại tràn xuống ruộng và hồ tôm của dân nên không giải quyết vấn đề này một cách triệt để được.
Nhiều bà con thôn Đông Trinh còn cho biết: cách đây không lâu máy móc, xe chở cát hoạt động suốt ngày đêm gây ồn ào khiến có đời sống bà con bị ảnh hưởng, nhất là có khi mỏ cát này được khai thác suốt đêm khiến người dân không thể ngủ, hiện tại tình trạng này đã đỡ hơn, họ chỉ còn hoạt động đến 11h đêm.
Như vậy, theo lời ông Hà – Phó chủ tịch xã Kỳ Trinh, những phản ánh của bà con về tình trạng ô nhiễm môi trường ở mỏ khai thách cát Thạch anh do Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh đầu tư là đúng và có cơ sở.
Dù đã công ty này có một số biện pháp khắc phục nhưng không thể xử lý triệt để được, đời sống và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, vào mùa gió Lào sắp tới bà con lại tiếp tục phải chịu cảnh bụi “bao vây” mà không biết làm gì, chỉ còn biết “cắn răng chịu đựng” mà “sống chung với lũ”.
Từ khi đi vào khai thác, cát chảy xuống vùi dập ruộng đồng khiến đất đai bỏ hoang |
Mai Nguyễn – Hà Vũ