Sáng 30/4, chương trình Tết Lao động năm 2016 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai. Năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến gặp gỡ với 3.000 công nhân, lao động của các tỉnh trọng điểm phía Nam.
Khoảng 9h sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai. Xuống xe từ cổng nhà thi đấu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt tay thăm hỏi công nhân, người lao động. “Thu nhập mỗi tháng bao nhiêu, có đủ sống không? cC khó khăn, nguyện vọng gì không? Cố gắng nhé…” – Những câu hỏi chi tiết, lời động viên thân tình được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành ngay cho các công nhân đứng đón ông.
Trong phần gặp gỡ với 3.000 công nhân, lao động ở 8 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi, giải đáp những băn khoăn, mong mỏi của công nhân, lao động (CNLĐ) xung quanh một số vấn đề về giải pháp nâng cao tiền lương, thu nhập cho CNLĐ, kìm chế tăng giá mỗi khi tăng lương, những chính sách hỗ trợ, điều kiện để CNLĐ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhà lưu trú, xây dựng thêm nhà trẻ để CNLĐ yên tâm sản xuất, những biện pháp để các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần gũi, thân tình với con em công nhân.
Anh Vũ Duy Thơ (công nhân KCN Amata Biên Hòa, Đồng Nai) nêu lên những thắc mắc về vấn đề tiền lương và mong muốn Thủ tướng quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ý kiến của công nhân Thơ và thông tin giải đáp: “Vừa rồi chúng ta có mặt bằng lương cơ bản phù hợp, tôi có hỏi 1 số công nhân ở cổng, công nhân cho biết thu nhập từ 5 – 10 triệu/tháng. Tuy nhiên đời sống của công nhân còn nhiều khó khăn, vừa rồi tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng lương lên 14% nhưng có nhiều ý kiến đề nghị chỉ tăng 6-10%. Trước tình hình trên, chúng ta đã quyết định tăng 12%, tăng như vậy là hợp tình hợp lý, thể hiện sự quan tâm của nhà nước, của Công đoàn Việt Nam với công nhân, lao động, mức tăng đó làm cho đời sống công nhân cả nước tốt hơn trước. Dù vậy, đời sống công nhân còn nhiều khó khăn nên nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa.
Công nhân Trịnh Anh Tuấn (làm việc tại một công ty ở Bình Dương) đặt câu hỏi: “Như Thủ tướng chia sẻ về tăng tiền lương cho người lao động nhưng 1 năm điều chỉnh tăng lương thì giá cả thị trường cũng đi theo, tăng theo. Đây là nỗi lo của người lao động. Qua buổi gặp gỡ hôm nay, Thủ tướng có biện pháp gì giúp chúng tôi bớt khó khăn?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước hết, nhà nước giữ chỉ tiêu lạm phát không được tăng, khi lạm phát tăng thì nhà nước sẽ có biện pháp bình ổn giá. Nhà nước, hệ thống cung ứng dịch vụ bán lẻ sẽ đáp ứng mọi yêu cầu, tất cả các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho công nhân, lao động. Trong các tỉnh ở phía Nam cần thực hiện tốt việc cung cứng đầy đủ, giữ giá ổn định, cùng với việc tăng 12% sẽ giúp đời sống công nhân tốt hơn. Sẽ có nhiều điểm bán lẻ thích hợp, tốt nhất dành cho công nhân, góp phần cho quỹ giá cả và đảm bảo tốt nhất cho bữa ăn công nhân, đời sống tinh thần tốt hơn.
Một vấn đề được đông đảo tầng lớp công nhân quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở, nhà trẻ dành cho con em công nhân tại các KCN, KCX. Chị Trịnh Thị Mai Anh (làm việc tại KCN Bến Lức, Long An) trình bày trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Với mức thu nhập như hiện nay, chúng tôi có cố gắng tích lũy mua được căn nhà ở luôn là điều mơ ước, bên cạnh đó, việc gửi con gặp nhiều khó khăn khiến chúng tôi không yên tâm khi làm việc. Thủ tướng có biện pháp gì giúp đỡ chúng tôi?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn về nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo cho con em công nhân đang còn nhiều bất cập làm cho đời sống thực tế của công nhân bị ảnh hưởng, khó khăn.
“Tôi ghi nhận ý kiến này và yêu cầu các KCN, KCX các tỉnh thành trong cả nước cần phải xây dựng các KCN kèm theo các chính sách, đảm bảo hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân. Cần đẩy mạnh xã hội hóa, đừng để công nhân của chúng ta lao động cả ngày mà còn phải lo lắng những chuyện đời sống như chỗ gửi con. Đảng và Nhà nước nghi nhận ý kiến này để hỗ trợ công nhân trên cả nước, các ban ngành duyệt dự án cần phải xem xét các công trình như nhà ở, nhà trẻ để triển khai đảm bảo tốt nhất” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trước ý kiến của công nhân về nhu cầu được giải trí sau những ngày làm việc mệt nhọc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tầng lớp công nhân lao động đa phần xa quê hương nên nhu cầu giải trí văn hóa sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc là rất lớn, cần quan tâm hơn nữa để tầng lớp công nhân có chỗ giải trí, vui chơi góp phần nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận ý kiến và đề nghị tất cả các địa phương vào cuộc, giao Liên đoàn Lao động Việt Nam theo dõi thực hiện.
Về các vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH), vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của công nhân cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt chú ý. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước hết tất cả các cơ sở kinh doanh đều phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít doanh nghiệp không đóng BHXH nên một chế tài quan trọng được thực hiện, nếu doanh nghiệp nào không đóng BHXH có thể ở tù 7 năm và phạt đến 3 tỷ đồng. Đây là chế tài nghiêm khắc buộc các doanh nghiệp phải đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
“Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay được Đảng vào Nhà nước rất quan tâm. Mới đây chúng tôi họp tất cả các tỉnh đề nghị kiểm soát vấn đề này. Tôi đề nghị Công đoàn các cấp, chủ doanh nghiệp phải công khai thực đơn, mức ăn, giá cả…để mọi công nhân giám sát, đừng để thất thoát khi đi chợ, đây là nhu cầu bức thiết, rất lớn của công nhân, đừng để bữa ăn bị kéo thấp xuống. Phải có nguồn thực phẩm sạch, ông chủ tịch phường, chủ siêu thị, quản lý chợ… phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thực phẩm bẩn, nếu ai gây ra, nơi nào xảy ra thì phải xử lý mạnh tay, thậm chí xử lý hình sự” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trung Kiên