Năm 2012, Lê Đức Duẩn đỗ đầu Đại học Dược Hà Nội với 29 điểm. Sau khi báo chí thông tin về chàng thủ khoa nghèo quê Phú Xuyên (Hà Nội), Đài truyền hình Việt Nam cũng về tận quê để làm phóng sự về nam sinh này.
Dù thi cao điểm nhất Đại học Dược, nhưng khi ấy chàng trai học giỏi có nguy cơ không thể đến giảng đường, vì nhà quá nghèo. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Quốc phòng đã quyết định đặc cách cho Lê Đức Duẩn vào thẳng Học viện Quân y (Hà Nội).
Khi biết tin con trai được tiếp tục theo đuổi nghề y để cứu người như mong ước, lại không phải đóng học phí, bà Thu – mẹ Duẩn – vui mừng lắm. Nỗi lo như bớt đè nặng trên đôi vai người phụ nữ một mình gánh vác gia đình.
Lê Đức Duẩn và mẹ tại Học Viện Quân Y. Ảnh: NVCC. |
Bước vào trường quân y, chàng thủ khoa nặng 39 kg trải qua 6 tháng rèn luyện trong quân ngũ. Duẩn kể, mỗi tuần 3 lần, cậu và đồng đội phải mang ba lô chứa quân tư trang, cùng súng, xẻng…, hành quân 10 km đường rừng để rèn luyện.
Những giờ học bơi giữa trời nắng nóng, bắn súng trên thao trường, những chuyến dã ngoại, huấn luyện dài ngày…, khiến các học viên ngày một thêm rắn rỏi.
Dù thấp bé nhẹ cân nhưng Duẩn đã 2 lần “xông pha hiến máu” tại trường. Duẩn kể, hiến máu xong béo lên trông thấy. Cậu hy vọng, trong tương lai, sẽ trực tiếp cứu sống bệnh nhân nghèo bằng nghề y học được.
Kết thúc 6 tháng huấn luyện, Duẩn vùi đầu vào sách vở với khối lượng kiến thức khổng lồ, khi theo ngành Bác sĩ đa khoa. Nam sinh này luôn thiếu thời gian để học.
“Giáo trình một môn học dày khoảng 400 trang. Mỗi học kỳ, mình phải ôn lượng kiến thức rất lớn”, Duẩn nói.
Lê Đức Duẩn cho biết, vừa bước vào năm 3 đại học. Tuy chương trình khá nặng nhưng chàng thủ khoa năm nào vẫn phát huy được tinh thần học tập tốt. Cậu thường xuyên là sinh viên khá, giỏi và luôn nằm trong top 10 của lớp.
Phía trước nam sinh giàu nghị lực là 4 năm học chuyên ngành. Chàng trai hy vọng, kết thúc 6 năm học, sẽ được giữ lại trường để tiếp tục học Bác sĩ chuyên khoa, để sau đó thỏa giấc mơ chữa bệnh cho người nghèo.
Thủ khoa qua lời kể của mẹ
Về thăm nhà Duẩn ở xóm Nhị Khê, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, vẫn căn nhà cấp 4 nứt vách và mảnh sân phủ rêu loang lổ. Hiên nhà đầy hàng mây tre đan. Bên trong kho chứa đồ cũ vẫn còn chiếc xe đạp đứt phanh, bục lốp, đã theo Duẩn vượt 10 cây số tới trường suốt thời phổ thông trung học. Hóa ra, tin đồn mẹ thủ khoa nhận được nhiều tiền ủng hộ, xây nhà khang trang chỉ là thất thiệt.
Bà Thu vừa trở về nhà sau cả buổi sáng gặt lúa ngoài đồng. Người mẹ lam lũ đã bước qua tuổi 50, vẫn cấy 6 sào lúa và đan hàng mây tre những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, lo cho con trai thứ 2 đang học lớp 8.
Bà Thu kể về ý chí học tập của con trai. Ảnh: Ngọc Tân. |
Bà Thu kể, chồng mất vì bệnh ung thư, một mình phải nuôi hai con trai khôn lớn.
Người mẹ nơi quê nghèo nhớ lại, nhiều lúc, Duẩn ngỏ ý không thi đại học, vì nếu đỗ cũng không có tiền đóng học phí. “Những lúc ấy, tôi chỉ biết bảo con, muốn không nghèo như bố mẹ thì chỉ có học giỏi”, bà Thu nói.
“Duẩn rất chăm học, gần như chỉ buông sách vở những lúc ăn, ngủ hoặc làm việc giúp mẹ. Hàng ngày, cháu vượt 10 cây số tới trường bằng chiếc xe đạp đã rách yên, bục lốp. Học cả ngày, Duẩn mang theo chiếc cặp lồng cơm, bên trong chỉ có rau luộc và vài con ốc bươu vàng”, người mẹ nhớ lại.
Chiếc xe đạp từng gắn bó với chàng thủ khoa. Ảnh: Ngọc Tân. |
Chỉ về chiếc xe đạp cất trong kho, bà Thu chia sẻ: “Dù được tặng 2 chiếc xe đạp mới, nhưng tôi vẫn không bỏ chiếc xe đã gắn bó với ước mơ đại học của con trai. Cả hai mẹ con đều muốn giữ nó lại để ghi nhớ về lúc gia đình khốn khó”.
Chính trong lúc khó khăn ấy, nghị lực đã giúp chàng trai nghèo vươn lên, trở thành thủ khoa đại học. Và cũng chính động lực thoát nghèo, cứu giúp người khổ đã và đang thôi thúc chàng trai Lê Đức Duẩn không ngừng nỗ lực để trở thành bác sĩ trong tương lai.