Sơn mong rằng có một phép màu sẽ đến với mình |
Mồ côi cả cha lẫn mẹ
Về thị trấn Tĩnh Gia hỏi thăm tới nhà Sơn thì người dân ở đây ai cũng biết, họ biết tới em vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mồ côi từ cha mẹ từ sớm, hai anh em phải tự gồng gánh nuôi nhau và sống nhờ sự thương hại của hàng xóm. Không quản khó, Sơn đã nỗ lực vượt qua số phận bằng việc vươn lên trong học tập và em đã đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên ngành học của em học phí quá lớn khiến em có thể phải từ bỏ ước mơ của mình.
Nói về hoàn cảnh của Sơn, người dân không khỏi rớt nước mắt. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo nhất ở thị trấn Tĩnh Gia này. Bố qua đời vì tai nạn giao thông khi em vừa tròn 2 tuổi. Từ khi chồng mất, mẹ em là Lê Thị Nguyên tần tảo sớm hôm làm thuê kiếm tiền nuôi hai anh em Sơn ăn học.
Đầu năm 2013, chị Nguyên đột ngột bị ung thư vú, quá trình điều trị kéo dài khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, du đã chữa trị nhưng bệnh tình của chị Nguyên vẫn không thuyên giảm. Đồ đạc trong nhà không còn gì để bán, tiền vay mượn hàng xóm cũng quá lớn nên chị quyết định không chữa bệnh nữa mà xin ra viện về nhà nằm.
Suốt quãng thời gian nằm ở nhà, chị đau đớn nhưng phải cố gắng ngượng để cho hai đứa con không phải khổ tâm. Rồi đến đầu năm 2015 chị vĩnh viễn ra đi để lại hai đứa con đang trong độ tuổi ăn học. Trong nhà có cái giường là tài sản duy nhất, khi chị Nguyên chết, chiếc giường đó cũng được đốt theo. Thương cho anh em Sơn phải nằm đất để ngủ, anh em họ hàng góp tiền mua cho chiếc giường khác để nằm.
Vì hoàn cảnh khó khăn, từ khi bố mất, anh trai Sơn là Hoàng Văn Anh (22 tuổi) phải nghỉ học để đi làm công nhân trong cảng Nghi Sơn. Mới đây mẹ lâm bệnh, Anh đành phải bỏ việc về làm thuê phụ giúp gia đình và gắng gượng nuôi người em ăn học thành người. Đến nay số tiền nợ của gia đình Sơn lên đến gần 100 triệu, không biết đến khi nào mới có thể trả được.
Mới đây, Sơn thi đậu tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển đại học với số điểm 23 điểm. Em nhận giấy báo vào ngành Cơ điện tử – NUT của Đại học Nagaoh – Nhật Bản (ngành đào tạo quốc tế tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Đây là ngành đào tạo có mức chi phí lên đến 30 – 40 triệu đồng/năm.
“Từ khi nhận được giấy báo nhập học, hàng xóm đến chia vui nhiều lắm, họ thấy hoàn cảnh nhà em nghèo khó nên ủng hộ tiền cho em nhập học. Em cảm động chảy nước mắt, nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ cho em nhập học chứ không thể đóng học phí được”.
Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia 1 cho biết, Sơn là một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến.
Cô Hà, Hiệu trưởng nhà trường đã phải chia sẻ lên Facebook mong các nhà hảo tâm giúp đỡ |
Trong giấy nhập học, nhà trường yêu cầu phải nộp luôn 19 triệu đồng tiền học phí học kì 1.
31/8 là hạn cuối cùng để em nhập trường nhưng tiền cả hai bên họ hàng cho vẫn chưa đủ, nhà trường cũng chỉ hỗ trợ được một phần nào. Chính vì vậy mà bản thân cô giáo hiệu trưởng phải đưa thông tin lên Facebook chia sẻ để mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho Sơn.
Trong một bức thư gửi lãnh đạo ngành giáo dục, Sơn đã nói về “3 ngày buồn” của mình. Đó là những ngày mất cha, mất mẹ. Còn “ngày buồn thứ 3 do cháu gây ra”.
Do không nghiên cứu kĩ thông tin, Sơn không biết chuyên ngành mình đăng ký học là ngành Cơ điện tử – NUT (Đại học Nagaoh – Nhật Bản) lại là mã ngành đào tạo quốc tế của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sơn đã cùng gia đình xin rút hồ sơ để nộp vào nguyện vọng 2 của trường ĐH Xây dựng nhưng không được vì theo quy định, khi nộp hồ sơ trúng tuyển, giấy chứng nhận gốc đã về trường thì trường đã cập nhật và gửi số hiệu về hệ thống GD&ĐT, đồng nghĩa với việc mã xét tuyển đã hết hạn và không thể thay đổi được nữa.
- Lê Anh