Đại biểu Lê Bá Lợi – Tổ Trung Lương thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp thứ 10 – HĐND thị xã khóa V
Chất vấn là quyền hạn, là cách thức và biện pháp giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND tại nghị trường và được quy định cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Từ bản Hiến pháp 1980 đã quy định tại Điều 120: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Uỷ ban nhân dân và các cơ quan Nhà nước khác của địa phương. Cơ quan bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định”. Bản Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 122 với nội dung cơ bản như Hiến pháp 1980, nhưng đối tượng bị chất vấn được mở rộng hơn, cụ thể: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định”. Đến Hiến pháp 2013, các nội dung về chất vấn cơ bản được giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992, (quy định tại khoản 2 Điều 115, chương IX về Chính quyền địa phương). Tuy nhiên, đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào định nghĩa về chất vấn. Dù vậy, từ các quy định của Hiến pháp và văn bản luật, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp năm 2005 thì chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử. Chất vấn – hiểu theo nguyên nghĩa – là “hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì, việc gì” (Đại từ điển Tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1999). Điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định cụ thể về chủ thể quyền và đối tượng thực hiện quyền chất vấn là: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn”. Như vậy, đại biểu HĐND là chủ thể thực hiện quyền chất vấn, đối tượng bị chất vấn bao gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Việc gửi ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp HĐND cũng được Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định cụ thể: “Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi ý kiến chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.”
Mặc dù quy định pháp lý chặt chẽ như vậy, song trong thực tiễn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và các đơn vị khác nói chung vẫn còn bất cập. Trước hết, một số đại biểu HĐND chưa thực hiện quyền chất vấn trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình. Đại biểu thực hiện quyền chất vấn chủ yếu là các đại biểu giữ các chức vụ chủ chốt ở phường, xã, trưởng các đầu ngành. Một số vấn đề chất vấn chỉ là những câu hỏi thông thường, với mục đích nhận được thông tin về vấn đề nào đó mà mình chưa rõ, hoặc để được giải thích rõ hơn về điểm này hay điểm khác trong các báo cáo công tác hoặc các đề án do các cơ quan nhà nước trình bày tại kỳ họp; người chất vấn không nắm được thẩm quyền việc này do ai, cấp nào giải quyết; hoặc hỏi những câu rất đơn giản, giống như kiến nghị của cử tri…Mặt khác, một số đại biểu chất vấn chưa đeo bám đến cùng vấn đề chất vấn, thiếu thuyết phục, làm cho người trả lời chất vấn bị ức chế và không khí phiên chất vấn trở nên nhạt nhẽo. Đối tượng được chất vấn theo quy định bao gồm cả Chủ tịch HĐND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thì ít hoặc hầu như không bị chất vấn, mà chủ yếu đang chất vấn UBND và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn.
Nguyên nhân một phần do tâm lý nể nang, ngại va chạm; phần khác do năng lực, trình độ, khả năng cập nhật thông tin còn hạn chế, nhất là những đại biểu trẻ, nữ, ngoài đảng, được cơ cấu đại diện cho một ngành, một tôn giáo hay một lĩnh vực kinh tế… Một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, ít có thời gian chuẩn bị cho kỳ họp, nên chất lượng chất vấn không cao. Những đại biểu là lãnh đạo và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của cơ quan chấp hành thì không bao giờ tham gia chất vấn người cùng cơ quan hoặc thuộc cấp của mình.
Đối với đối tượng bị chất vấn vẫn còn một số cá nhân hiểu chưa đúng về việc này, xem chất vấn của các đại biểu chỉ nặng về mặt phê bình khuyết điểm, phê phán những hiện tượng tiêu cực; coi đó là sự “soi mói”, “bới lông tìm vết”, thiên lệch về một phía, bất lợi cho cơ quan và người bị chất vấn, coi chất vấn chỉ là quyền của riêng của cá nhân đại biểu; một số trả lời chất vấn chủ yếu kể lể thành tích cơ quan, ngành của mình, nôị dung trả lời vòng vo, không dám chỉ rõ người phải chịu trách nhiệm chính trị, thậm chí trả lời không sát vấn đề chất vấn. Điều mà HĐND và Nhân dân mong được nghe nhất lại không đáp ứng được trong các câu trả lời chất vấn là không thấy vị nào có cam kết thời gian cụ thể để khắc phục, sửa chữa và giải quyết xong…
Vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn? Từ thực tiễn kết quả đổi mới hoạt động chất vấn của HĐND thị xã Hồng Lĩnh trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, xin nêu một số kinh nghiệm sau:
Trước hết, về lựa chọn vấn đề chất vấn. Việc này, vừa là quyền và trách nhiệm và năng lực nắm bắt thông tin của đại biểu HĐND, nhưng cũng vừa là định hướng, gợi ý thông qua giám sát thường xuyên và chuyên đề của Thường trực HĐND và các Ban HĐND cho các đại biểu. Trong các nội dung thường lựa chọn để chất vấn của đại biểu là khi có các kết luận giám sát của các cơ quan HĐND hoặc các cơ quan chức năng khác đã chỉ rõ bằng văn bản về cơ quan hoặc người đứng đầu có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có những yếu kém, trì trệ, bảo thủ, không thi hành nghiêm chỉnh, hoặc thi hành không đến nơi, đến chốn các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, Nghị quyết của HĐND, không thực hiện hoặc có thái độ xem thường các kiến nghị xác đáng của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cũng như những yêu cầu, kiến nghị hợp lý của đại biểu, kiến nghị bức xúc của cử tri… Trong nhiều kỳ họp của HĐND thị xã Hồng Lĩnh thì các nội dung được các đại biểu HĐND tập trung chất vấn, đó là: việc chấp hành dự toán thu, chi ngân sách, nhất là bổ sung chi ngân sách thường xuyên giữa năm mà không có trong dự toán đầu năm; việc xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền; việc xử lý những tồn đọng về đất đai của Nhân dân nhiều lần mà không được Nhân dân chấp thuận, họ vẫn tiếp tục kiến nghị, khiếu nại; việc xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiệu quả thấp mặc dù HĐND đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ từ ngân sách cho nông nghiệp nông dân; về trách nhiệm quản lý nhà nước trước sự xâm nhập hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường…
Vì vậy, đại biểu sử dụng quyền chất vấn là một biện pháp đấu tranh trực diện công khai để quy kết trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân bị chất vấn về trách nhiệm chính trị trước HĐND và toàn thể Nhân dân. Nhờ sự tác động mang tính quyền lực mạnh mẽ nhất của HĐND, nên chất vấn là hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND. Đây chính là sự khác nhau cơ bản giữa chất vấn với câu hỏi thông thường. Nếu chất vấn không có mục đích làm rõ khuyết điểm, quy kết trách nhiệm, khôi phục sự công bằng, loại bỏ tiêu cực, ngăn chặn vi phạm pháp luật… trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thì chất vấn chỉ là hình thức, không còn là phương tiện giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, không còn là biện pháp mà theo Lênin, các đại biểu và các cơ quan đại diện quyền lực nhà nước của Nhân dân nhất thiết phải dùng đến trong cuộc đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa quan liêu và sự trì trệ của các cơ quan nhà nước.
Để chất vấn thực sự là một công cụ giám sát hiệu quả, sắc bén, đầy tính phản biện và minh bạch, công khai, thì đại biểu HĐND không chỉ biết lựa chọn nội dung phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri các phường xã và đại biểu HĐND quan tâm, mà cần chú trọng trau dồi kỹ năng: lựa chọn thái độ, âm lượng, cách đặt câu và cách diễn đạt đối thoại trong chất vấn… Phản ánh thông tin khi chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng nhằm phục vụ cho mục đích chất vấn; đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn bản, các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề chất vấn… Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để những câu hỏi chất vấn và những kiến nghị của đại biểu sát thực, đúng địa chỉ. Nếu thực hiện tốt các yêu cầu như trên, đại biểu sẽ có cơ sở pháp lý, thực tiễn để buộc người trả lời chất vấn “tâm phục, khẩu phục“. Tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu.
Đối với người trả lời chất vấn: Trả lời chất vấn là nhiệm vụ theo qui định bắt buộc của pháp luật, đồng thời cũng thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm chính trị của người đứng đầu một cơ quan, một đơn vị; đại biểu HĐND căn cứ vào đó để bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm. Vì vậy, việc trả lời chất vấn phải tuân thủ những nguyên tắc về trình tự, thủ tục, thời gian,…; người trả lời chất vấn phải trả lời tất cả các ý kiến mà đại biểu đã chất vấn. Nội dung trả lời phải đúng trọng tâm, ngắn gọn, không viện dẫn các lý do vòng vo dài dòng. Thái độ tiếp thu phải nghiêm túc, cầu thị, dám làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể. Khi hứa giải quyết vấn đề cần nêu rõ phương án, giải pháp cụ thể và thời gian sẽ hoàn thành để đại biểu và cử tri giám sát. Người trả lời chất vấn phải đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật (phải là người đứng đầu), không được ủy quyền, trường hợp có lý do chính đáng mới ủy quyền cho cấp phó trả lời thay và phải được HĐND đồng ý.
Chủ tọa kỳ họp phải thể hiện là người điều hành kiên quyết và khéo léo trong quá trình chất vấn. Khi không khí kỳ họp trầm lắng, chủ tọa tìm cách gợi mở để các đại biểu tham gia chất vấn trực tiếp tại hội trường, làm cho không khí phiên họp sôi động. Chủ tọa cũng phải biết cách dừng đúng lúc khi việc hỏi và trả lời quá nóng hoặc quá lan man, không đi đúng trọng tâm. Phát huy vị trí, vai trò của người điều hành để bảo đảm cho các phiên chất vấn được thực hiện dân chủ, cởi mở, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu cũng như của người trả lời chất vấn.Trong mỗi vấn đề chất vấn, chủ tọa có thể đề nghị đại biểu đưa ra các chứng cứ cụ thể để chứng minh. Những vấn đề được nêu ra, chủ tọa phải thể hiện được chính kiến, thẳng thắn, cụ thể, công tâm, khách quan. Tất cả các vấn đề đưa ra tranh luận cuối cùng phải được Chủ tọa kỳ họp kết luận rõ ràng trên cơ sở chủ trương đường lối, phù hợp Hiến pháp và pháp luật, phù hợp thực tiễn địa phương, sự tán thành của đa số đại biểu HĐND, kết luận phải ngắn gọn, đánh giá và nhận xét khái quát những nội dung đã đạt được và chưa đạt được trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, những điểm cần rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau; xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết vấn đề, thời gian giải quyết vấn đề và yêu cầu thực hiện; xác định trách nhiệm của UBND, các cơ quan có liên quan, xác định trách nhiệm của đại biểu HĐND tiếp tục giám sát.
Qua thực tiễn, hoạt động chất vấn mới chính là bản chất của quyền lực nhà nước mà Nhân dân thấy được, thông qua đó Nhân dân củng cố lòng tin vào cơ quan đại diện của mình. Do đó, trong mỗi kỳ họp HĐND phải ra nghị quyết như qui định tại Điều 61 Luật tổ chức HĐND và UBND: “HĐND ra Nghị quyết về việc chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết”.
Tuy nhiên, để hiệu lực chất vấn cao hơn, cần quy định HĐND ra Nghị quyết về trả lời chất vấn trong mọi trường hợp chứ không phải chỉ “trong trường hợp cần thiết” như hiện nay. Nghị quyết của HĐND có thể là đồng ý với trả lời chất vấn, có thể là đưa ra những biện pháp khắc phục, thời gian khắc phục hoặc quy kết trách nhiệm của cơ quan hay cá nhân bị chất vấn. Việc ra nghị quyết sẽ có cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cá nhân chịu sự chất vấn và bảo đảm hiệu quả của hoạt động chất vấn. Đồng thời, luật cần quy định các chế tài cụ thể nếu việc giải quyết và trả lời chất vấn không nghiêm túc, không đạt yêu cầu. Và nhất thiết kết quả thực hiện lời hứa phải là một tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm hàng năm.
Hội đồng nhân dân các cấp cần không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chất vấn để ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của Nhân dân vào hoạt động này. Chất vấn là quyền pháp lý của đại biểu HĐND nên bản thân đại biểu cần phải nâng cao hơn nữa năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình, khẳng định bản lĩnh, vị trí của mình trên diễn đàn chất vấn, xứng đáng với danh hiệu cao quý “người đại biểu Nhân dân“./.
Nguyễn Tiến Dũng – Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh