Khu đất đã thu hồi của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô hoang tàn, nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. |
Hoang tàn, nhếch nhác
Sau khi toàn bộ tiểu thương di dời đến chợ mới để kinh doanh, chợ cũ Hồng Lĩnh chỉ còn lại dãy nhà điều hành hư hỏng, xập xệ. Hơn 10.000m2 đất mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật địa chính (Sở Tài nguyên và Môi trường) quản lý từ năm 2017 đến nay đang bị bỏ hoang. Khuôn viên chợ cũ rác thải vứt tràn lan, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, mỹ quan đô thị.
Sau nhiều năm bỏ hoang, khu chợ cũ Hồng Lĩnh cây cối, cỏ mọc um tùm. |
“Việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng tôi không nắm rõ. Tuy nhiên, thấy khu chợ cũ Hồng Lĩnh bị bỏ hoang nhiều năm, không đầu tư xây dựng vừa lãng phí đất đai, vừa ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội” - một người dân sống gần khu chợ cũ Hồng Lĩnh cho biết.
Khu đất chợ cũ Hồng Lĩnh ở phường Nam Hồng (nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 8 sang nước bạn Lào) là điểm nhấn trong phát triển đô thị. Việc tồn tại một dãy nhà điều hành xập xệ, dột nát và một khu đất hoang, trở thành rào cản không hề nhỏ trong xây dựng các tiêu chí đô thị loại III.
Nhà điều hành chợ cũ Hồng Lĩnh dột nát ngay tại mặt tiền trung tâm thị xã Hồng Lĩnh. |
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Nam Hồng Trần Quốc Chế cho biết: Trên địa bàn hiện có chợ cũ Hồng Lĩnh (rộng hơn 10.000m2) và khu đất của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc (rộng gần 50.000m2) đã được UBND tỉnh thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật địa chính quản lý.
“Hai khu đất này nằm ở vị trí trung tâm nhưng ngày càng trở nên hoang tàn, nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Riêng đối với khu chợ cũ Hồng Lĩnh, địa phương mong muốn kêu gọi đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại, hoặc siêu thị để tạo điểm nhấn mới cho phường, nhưng chưa thực hiện được” - ông Trần Quốc Chế cho biết thêm.
“Đất vàng” bỏ hoang, bao giờ mới được xử lý?
Theo thống kê, hiện nay tại thị xã Hồng Lĩnh có nhiều khu đất nằm ở vị trí trung tâm đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật địa chính quản lý như: Chợ cũ Hồng Lĩnh, Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc; Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô (hơn 10.500m2); Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (hơn 10.200m2); Công ty Đường bộ số 1 (hơn 297m2); Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp (10.300m2)... đất đai còn bỏ hoang, chưa phát huy hiệu quả sử dụng.
Hầu hết khu đất này đều có điểm chung là mặt bằng rộng, giáp với các trục đường giao thông huyết mạch. Nhưng do lâu ngày không được khai thác, sử dụng đúng mục đích, một số khu đất trở thành nơi chứa rác thải, vật liệu thải xây dựng hoặc bãi dừng đỗ xe tải của người dân. Việc thu hồi đất nhưng lại bỏ hoang nhiều năm, không đầu tư xây dựng, điều đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp ở thị xã Hồng Lĩnh và các bên liên quan trong khai thác, sử dụng đất.
Một số khu “đất vàng” đã thu hồi trở thành bãi đỗ xe tải. |
...người dân tận dụng mặt bằng mở tiệm cắt tóc. |
Tại buổi làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Huy Hùng cho biết: Các khu đất đã thu hồi đang thuộc quyền quản lý của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, nhưng hiện tại, việc định giá tài sản trên đất, xử lý mặt bằng sạch chưa xong. Qua nhiều cuộc làm việc, địa phương cũng đã kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền sớm có phương án xử lý nhằm tạo thuận lợi trong kêu gọi thu hút đầu tư, nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Khuôn viên Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh sát Quốc lộ 8 trở thành bãi đất hoang. |
Liên quan đến vấn đề định giá các khu đất tại thị xã Hồng Lĩnh, ông Hồ Nhật Lệ - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật địa chính (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) cho biết: Việc định giá đất, tài sản trên đất hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng mới đưa ra được phương án xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Ông Hồ Nhật Lệ lý giải, các bước thu hồi, quản lý, lập đề cương nhiệm vụ, dự toán quy hoạch, lựa chọn đơn vị tư vấn định giá, lập phương án đấu giá… qua rất nhiều bước, liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau. Đối với một dự án đơn giản (dự án thương mại quy mô nhỏ) thì phải trình qua UBND tỉnh 7 bước; còn đối với một dự án phức tạp (dạng dự án đô thị hỗn hợp) có thể phải trình UBND tỉnh qua 21 bước. Đó là nguyên nhân dẫn đến công tác xử lý các khu đất đã thu hồi tại thị xã Hồng Lĩnh chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra.
Vướng mắc về giải quyết hồ sơ, thủ tục định giá đất, tài sản trên đất trở thành điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư ở thị xã Hồng Lĩnh. |
Sau nhiều năm thu hồi đất, nhưng điều nghịch lý là những khu “đất vàng” ở thị xã Hồng Lĩnh vẫn đang hoang tàn, nhếch nhác, chưa thể thu hút được các nhà đầu tư vào triển khai dự án phù hợp với quy mô, tầm cỡ khu đô thị phía Bắc của tỉnh.
Rõ ràng những “điểm nghẽn” trong xử lý các hồ sơ, thủ tục định giá đất, tài sản trên đất cần sớm được các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có phương án tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Như vậy, việc xây dựng đô thị loại III ở thị xã Hồng Lĩnh mới không còn “đất vàng” bỏ hoang, gây nhếch nhác, phản cảm...
Tác giả: Văn Chương
Nguồn tin: kinhtedothi.vn