Tin trong nước

Thêm một “tỷ phú ve chai” khổ vì… thấy vàng trong rác

Một nữ công nhân phân loại rác tình cờ phát hiện chiếc bóp có nhiều vàng, sau 1 năm giao nộp cho cơ quan công an tìm chủ sở hữu mà không ai đến nhận. Trong khi đó, chị bị mất việc và lâm cảnh khốn cùng.

Thêm một “tỷ phú ve chai” khổ vì... thấy vàng trong rác

Ảnh minh họa.

Tiếp xúc với PV hôm 31/8, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi), tạm trú khóm 3, P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau kể: “Khoảng 15 giờ ngày 4/8/2014, trong lúc phân loại rác thì tôi thấy có cái bóp da, mở ra xem tôi phát hiện có nhiều vàng nên nói cho những người làm chung biết và cất đi. Ít phút sau, lãnh đạo Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau biết, lập biên bản giữ lại số vàng. Tôi không đồng tình giao vàng cho nhà máy, nếu trả thì trả cho người mất nên tôi gọi báo công an đến lập biên bản và nhờ thông báo tìm chủ sở hữu”.
Nguồn tin của báo Pháp luật TPHCM cho biết, số vàng chị Mai nhặt được tương đương 5 lượng vàng.

“Từ khi tôi phát hiện số vàng đó thì cuộc sống gia đình tôi lâm vào cảnh khốn khó hơn. Ngay hôm phát hiện cái bóp có vàng, tôi đã bị cho nghỉ làm. 5 ngày sau đó thì có quyết định cho nghỉ việc chính thức. Chồng tôi bệnh viêm khớp không làm nặng được nên tôi là lao động chính trong gia đình. Khi mất việc, tôi phải đi làm thuê đủ thứ để lo cho chồng, con. Nhưng bây giờ thì quá túng quẫn khi công việc làm thuê của tôi không ổn định, vợ chồng tôi phải gửi con về cho mẹ ruột tôi nuôi giúp”, chị Mai nghẹn lời chia sẻ. Vợ chồng chị quê ở H.Đầm Dơi lên TP.Cà Mau thuê nhà trọ ở để đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, từ giặt quần áo đến ráp quần áo gia công…

Khi số tài sản trên được giao nộp cho Công an TP.Cà Mau thì đơn vị này đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu hợp pháp.

Nhưng đến nay, sau một năm kể từ ngày ra thông báo công khai không có ai đến nhận nên chị Mai có đơn yêu cầu xin nhận lại.

Công an TP.Cà Mau hẹn chị Mai vào ngày 16/9 đến giải quyết.

Theo biên bản ban đầu, số vàng chị Mai nhặt gồm: 1 vòng vàng, 4 dây chuyền vàng; 3 mặt dây lớn nhỏ; 10 nhẫn, 3 đôi bông tai, 1 mặt dây chuyền bị gẫy…

Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho biết tổng cộng là 2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K.

Quá trình làm đơn xin nhận lại số vàng, chị Mai cũng đã nhận được văn bản trả lời của Công an TP.Cà Mau.

Theo đó, cơ quan này cho biết sẽ áp dụng khoản 2, điều 241 Bộ luật Dân sự (BLDS), xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.

Tức là sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tói thiểu do nhà nước quy định thì sau khi trừ chí phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc nhà nước.

Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị Mai, luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau) nói: “Trong trường hợp này nên áp dụng khoản 2, điều 239 BLDS, trường hợp vật không xác định được chủ sở hữu mới hợp lẽ. Nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì số vàng đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật”.

Việc cho rằng số vàng là vật bị đánh rơi, bỏ quên để giải quyết là không ổn bởi “chị Mai phát hiện trong rác chứ không phải nhặt”.

Nhà máy không tranh chấp

Về phía Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành nói: “Số tài sản đó do chị Mai nhặt được nên phải báo và giao nộp cho công an. Giờ mọi việc giải quyết theo quy định, nhà máy cũng không tranh chấp. Nếu được coi là tài sản của nhà máy thì chúng tôi cũng chia đều cho công nhân đứng cùng băng chuyền với chị Mai hôm đó”.

Sự kiện “tỷ phú ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) nhặt được 5 triệu yen Nhật trong quá trình thu mua ve chai trước đây cũng từng gây ra tranh cãi pháp lý là chị Hồng sẽ nhận được toàn bộ số tiền nhặt được theo điều 239 BLDS hay chỉ nhận một phần theo điều 241 BLDS.

Tuy nhiên, sau đó, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã có quyết định, căn cứ khoản 2 điều 239 BLDS, trường hợp vật không xác định được chủ sở hữu để trao trả toàn bộ số tiền mà chị Hồng nhặt được.

Điều 239: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu

Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người phát hiện vật vô chủ thì có quyền sở hữu tài sản đó (trừ bất động sản quy định khác). Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện.

Điều 241: Xác lập quyền sở hữu đối với vật cho người khác đánh rơi, bỏ quên

Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước (trừ vật là di tích lịch sử, văn hóa quy định khác).

Nhận được lại toàn bộ số vàng

Đây là quan điểm mà các chuyên gia pháp luật trao đổi cùng Báo Thanh Niên và cho rằng cơ quan chức năng giao lại toàn bộ số vàng cho người nhặt được là việc vừa hợp tình vừa hợp lý.

Tiến sĩ Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn Luật dân sự (Trường đại học Luật TP.HCM) nhìn nhận nên xác lập quyền sở hữu đối với vật không xác định được chủ sở hữu trong trường hợp của chị Mai là đúng nhất.

“Tuy vàng là tài sản quý, không ai tự nhiên từ bỏ nó rồi quăng vào thùng rác, có thể vì cất giấu trong ví, vì quên đi và vô ý từ bỏ. Song, phải thừa nhận nếu chị Mai không phát hiện ra vàng trong đống rác thì tài sản này cũng bị chôn vùi, biến mất. Do vậy, có thể đây chưa hẳn là tài sản vô chủ nhưng vẫn có thể thuộc trường hợp tài sản không xác định chủ sở hữu theo khoản 2, điều 239 BLDS. Việc áp dụng theo hướng này là hợp tình, hợp lý đối với người nhặt được tài sản giao nộp chính quyền với mong muốn tìm ra chủ nhân hợp pháp”, ông Hùng nói.

Cùng quan điểm, ông Võ Văn Thêm, kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, phân tích: “Theo khái niệm, vật đánh rơi, bỏ quên là vật mà chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp do lơ đãng, sơ suất để mất quyền chiếm hữu, quyền trực tiếp nắm giữ quản lý tài sản; vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu và không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu thì tài sản được coi là vật không xác định được chủ sở hữu. Từ các khái niệm trên thì áp dụng khoản 2, điều 239 BLDS, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu, để chị Mai hưởng toàn bộ số vàng nhặt được là phù hợp”.

Theo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP