Điệp khúc “cứ mưa là ngập” tại thành phố Hà Tĩnh diễn ra trong nhiều năm nay. |
Hạ tầng tại thành phố Hà Tĩnh chủ yếu là hệ thống mương thoát nước nhỏ, xây bằng gạch, đã bị mục; nhiều nơi bị rễ cây xâm lấn gây tắc nghẽn; hệ thống hạ tầng điện, cấp nước, viễn thông chồng lên nhau gây ra. Do đó, nhu cầu cấp thiết là cần sớm triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng một cách đồng bộ gắn với quy hoạch tổng thể toàn đô thị. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc quản lý, vận hành, đặc biệt là giải quyết các bất cập về thoát nước, mỹ quan đô thị. Việc triển khai các dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quy hoạch, đầu tư để ổn định hạ tầng ngầm, tránh đào xới nhiều lần gây phân tán, lãng phí nguồn lực.
Thời gian qua, cùng với việc tập trung chỉnh trang đô thị, thành phố Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực lớn để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước đồng bộ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về tiêu thoát nước. Ngoài ra, tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống mương ở khu vực trung tâm; xử lý, cải tiến công nghệ các hố thu, cửa xả, các khu vực tổn thất đến năng lực thoát nước của đô thị… Trong quá trình triển khai, đã lấy ý kiến người dân, hầu hết hộ dân có ảnh hưởng khi dự án đi qua đều rất đồng lòng với chủ trương chỉnh trang, nâng cấp của thành phố.
Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương chủ động vận hành hệ thống điều tiết, mở cống xả hết nước cuối nguồn trước dự báo mưa lớn và đóng cống để ngăn triều cường khi trên địa bàn đang diễn biến mưa lớn. Với các giải pháp linh hoạt, tình trạng ngập lụt của thành phố Hà Tĩnh trong thời gian qua đã được giải quyết đáng kể.
Có thể nhận thấy, sau khi được cải tạo, nâng cấp, những điểm nóng về ngập lụt tại các tuyến đường như: Nguyễn Xí, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Biểu… không còn tình trạng ứ đọng nước mỗi khi có mưa lớn; thời gian tiêu thoát nước nhanh hơn nên người dân phần nào bớt lo lắng.
Chị Bích Thủy (đường Nguyễn Biểu, thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi thường gọi đùa tuyến đường Nguyễn Biểu là “Nguyễn Lụt”, hễ có mưa là ngập. Nhưng sau khi hệ thống thoát nước được cải tạo, những trận mưa lớn vừa qua không còn cảnh ngập, bà con đi lại thuận tiện vô cùng. Chúng tôi rất phấn khởi, mong thành phố tiếp tục đầu tư nguồn lực, hoàn thiện hạ tầng để thành phố ngày càng phát triển”.
Thành phố Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực lớn để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước đồng bộ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Tô Thái Hòa, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị thành phố đang tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường chính như: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Xuân Diệu… để từng bước cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các khu vực. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thoát nước trên địa bàn để tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa phù hợp với quy hoạch đô thị.
Về giải pháp lâu dài, thành phố tiếp tục lồng ghép tối đa các nguồn lực trong việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước đồng bộ với đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Đặc biệt, dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh” với tổng vốn hơn 142 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA đang triển khai sẽ là giải pháp bền vững giảm thiểu ngập lụt, phát triển giao thông liên kết vùng và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống người dân, phát triển đô thị bền vững, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Ngoài ra, dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du Kẻ Gỗ sẽ hoàn thiện hệ thống đê bao tại thành phố Hà Tĩnh, tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Tiếp tục tuyên truyền để phát huy ý thức cộng đồng trong việc thích ứng, phòng chống ngập lụt đô thị. Mỗi người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy hoạch xây dựng, đô thị để không ngăn cản dòng chảy thoát nước; vào những thời điểm mưa lớn, chủ động thu gom, khơi thông hố ga, mương thoát nước. Đáng chú ý, xử lý nghiêm các trường hợp: Lấn chiếm kênh, ao hồ, cản trở miệng cống thoát nước, xả rác xuống hố ga, cống tiêu… Huy động nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân thực hiện nạo vét, khơi thông cống rãnh.
Ông Lê Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố Hà Tĩnh đang tập trung cao cho công tác nâng cao hệ thống hạ tầng đảm bảo đồng bộ, kết nối nhằm thực hiện mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Cùng với các công trình, dự án đầu tư thì việc thực hiện công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng tại cơ sở, tạo diện mạo khang trang, hiện đại, văn minh khu dân cư, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Xây Dựng