Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 7/2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại. Đó có thể là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra.
Giá thanh long ruột trắng mua tại vườn hiện chỉ có 8.000 đồng/kg. Ảnh minh họa |
Cụ thể, đối với trái loại 1, đóng vào thùng xuất khẩu có giá từ 14.000 – 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, 26.000 – 27.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Còn giá mua tại vườn (mua xô) thấp hơn nhiều, thanh long ruột trắng chỉ đạt 8.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ bán xô có giá 13.000 đồng/kg, trong khi đó vụ nghịch thanh long ruột trắng có giá từ 20.000- 25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá mít Thái lại tăng 10.000- 20.000 đồng/kg. Thời gian tới, giá mít Thái có thể duy trì đà tăng này do nhu cầu thu mua lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 7 ước đạt 289 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 1,74 tỷ USD (chiếm 74% thị phần). Tiếp đó là Thái Lan (37,6%), Hàn Quốc (16,7%), Hoa Kỳ (15,9%) và Malaysia (12,9%).
Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7/2018 ước đạt 156 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2018 đạt 892 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 6 tháng đầu năm là thị trường Thái Lan (chiếm 45,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 19,4%).
Trong 6 tháng, nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là thị trường Hàn Quốc (tăng gấp 2,07 lần), tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ (+90,7%) và thị trường Úc (+76,5%).
Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm. Đặc biệt ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm; Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, nhu cầu nhập khẩu giảm xuống; có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường này.
Mặc dù nhiều FTA đã được ký kết trong thời gian qua tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới, nhưng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu này cũng vẫn là rào cản chính đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Ngành rau quả và các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có các biện pháp thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gia tăng tỷ lệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu.
Tác giả: Diệu Thùy
Nguồn tin: Báo Infonet