Kinh tế

Tháng Cô hồn, giới kinh doanh nên làm gì để tránh đại hạn?

Quan niệm dân gian cho rằng tháng Bảy âm lịch là tháng “Cô hồn”, mọi sự đều xui xẻo, không nên làm chuyện đại sự. Chính vì lí do này nên giới kinh doanh trì hoãn các giao dịch, tránh đầu tư lớn khiến tình hình buôn bán ế ẩm.

Theo quan niệm dân gian của Việt Nam, tháng 7 âm lịch hàng năm được coi là tháng Cô hồn. Theo đó, tục lệ cúng Cô hồn là một tín ngưỡng được truyền từ đời này sang đời khác. Người dân cũng quan niệm tháng Cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc kinh doanh, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh tháng 7. Và hầu hết những người trong giới kinh doanh cũng đều cho rằng, tháng Cô hồn cũng là tháng xui xẻo, không may mắn. Vậy nên, mọi người thường kiêng kị tháng Cô hồn nhất là những giao dịch về kinh tế.

Vậy làm thế nào để cải thiện được điều này? Dưới đây là một vài góp ý nhỏ, được đúc rút từ kinh nghiệm của những người làm kinh doanh, buôn bán để tránh tình trạng xui xẻo trong tháng Cô hồn.

Không nên mê tín vào quan niệm dân gian

Các chuyên gia cho rằng cách hiểu về tháng Cô hồn của nhiều người không đúng, mang tính mê tín dị đoan. Thực tế những kiêng kỵ trên bắt nguồn từ thói quen có từ thời xa xưa. Tháng 7 Âm lịch là mùa mưa ngâu, thêm nữa đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa Hạ và mùa Thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, đó cũng là một trong những lý do khiến việc kinh doanh bị trì trệ hơn.

Dù là tháng Cô hồn nhưng cuộc sống của mọi người vẫn diễn ra, cùng với đó, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống vẫn phải đáp ứng đầy đủ. Vậy nên, có cầu thì ắt có cung, các hộ kinh doanh không phải lo lắng về việc buôn bán ế ẩm.

Tuy nhiên, về mặt văn hóa, tâm linh thì những người làm kinh doanh vẫn nên làm lễ cúng cô hồn để được “người âm” phù hộ buôn may bán đắt. Mâm cỗ cúng nên thanh tịnh, giản đơn chứ không cần cầu kỳ, tốn kém. Còn việc kiêng kị, hay lo sợ những điều không may mắn thì không nên quá bận tâm.

Tăng cường các chương trình quảng cáo, khuyến mại

Tận dụng tâm lý lo lắng của người dân, giới kinh doanh nên tung ra các chương trình khuyến mại, quảng cáo lấy cảm hứng từ yếu tố tâm linh. Cụ thể, tháng 7 lại là tháng giáp với ngày rằm Trung thu, bạn có thể lấy lý do vào ngày đó và đưa ra một số những chương trình, những chính sách khuyến mãi nhằm kích cầu người tiêu dùng như: Mua 2 tặng 1, free ship, chương trình đồng giá giờ vàng… Cùng với đó nên tận dụng các kênh truyền thông để đẩy mạnh lượt người tiếp cận với các sản phẩm.

Đi lễ chùa cầu bình an

Trong tháng Cô hồn, mọi người thường đi chùa để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình và công việc làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, khi đi chùa, bạn có thể làm công đức hoặc dọn dẹp, nhổ cỏ cùng các sư trong chùa. Làm những việc này sẽ khiến tâm hồn bạn thư thái và bình an hơn nhiều.


Báo hiếu cha mẹ

Trong tháng 7 này cũng có một ngày lễ vô cùng quan trọng đó là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ. Đây chính là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để ở bên cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn.


Làm nhiều việc thiện

Một điều được khuyến khích trong tháng cô hồn đó chính là làm thật nhiều việc thiện. Bạn có thể thăm hỏi, tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp từ thiện, hoặc giúp đỡ người thân, hàng xóm từ những việc nhỏ nhất...

Không sát sinh và nên ăn chay

Trong tháng cô hồn, bạn không nên sát sinh động vật để tâm hồn được thanh tịnh hơn. Bên cạnh đó, việc ăn chay cũng được khuyến khích trong tháng 7 Âm lịch.


Hóa giải mọi xung đột và ứng xử nhã nhặn

Tháng 7 đến, bạn hãy cố gắng kiềm chế bản thân dù có bất cứ chuyện gì xảy ra để tránh những tranh cãi, xô xát không đáng có với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, khách hàng. Nếu có gặp chuyện chẳng may, cũng nên ứng xử nhã nhặn, vui vẻ để nhanh chóng giải tỏa hiềm khích.

Tác giả: Bá Di (T/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP