Mùa Thi

Thạch Hương: Không thi, không đăng ký vẫn được gọi nhập học!

Thoạt nghe tưởng nhầm lẫn nhưng đó là sự thật 100%. Trong kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) vừa qua, nhiều thí sinh không hề đăng ký dự thi, không đăng ký nguyện vọng nhưng đã nhận được khá nhiều giấy báo nhập học từ các trường trung cấp, CĐ chuyên nghiệp và ĐH trong cả nước.

Em Nguyễn Thị Như Thinh (xã Thạch Hương – Thạch Hà) cho biết: “Em đăng ký thi vào Trường ĐH Luật Hà Nội nhưng bị trượt vì chỉ được 18,5 điểm. Kỳ lạ là, trong lúc em đang tìm hiểu để đăng ký nguyện vọng vào một trường phù hợp thì nhận được một loạt giấy thông báo nhập học của nhiều trường khác, từ CĐ đến ĐH, cả công lập và dân lập. Trong đó, đáng chú ý nhất là Trường ĐH KHXH&NV, vì đây là trường danh tiếng nên em rất quan tâm. Nhưng khi xem xong nội dung thì… thực ra, đó là chương trình phối hợp đào tạo cử nhân 1+3 (1 năm học ngoại ngữ ở Việt Nam và 3 năm học tại trường đối tác) giữa Trường ĐH KHXH&NV với các trường ĐH ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Học phí ở Việt Nam 21 triệu đồng/năm; 3 năm ở Trung Quốc 12.000 – 24.000 nhân dân tệ/năm; 3 năm ở Hàn Quốc 3.600 USD/năm. Các chi phí ăn ở, sinh hoạt tự túc. Học phí như thế, con em nông dân như chúng em làm sao mà theo nổi”!…


Sau khi nhận được giấy thông báo nhập học của các trường, hầu hết thí sinh và các bậc phụ huynh đều tỏ ý thắc mắc: tại sao không thi, không đăng ký mà vẫn gọi nhập học? Điều băn khoăn nữa là tất cả các giấy báo nhập học đều dùng ngôn ngữ “có cánh” như: “thể theo nhu cầu và nguyện vọng của thí sinh và bậc phụ huynh”…


Trong giấy báo nhập học của Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức – Hà Nội mà em Nguyễn Thị Lan (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) nhận được, ngoài quyền được lựa chọn 1 trong 5 ngành học mà nhà trường đào tạo, em còn nhận được thông tin trong một tờ giấy đính kèm, trong đó ghi rõ quyền lợi của sinh viên là được giúp đỡ tìm việc làm, tốt nghiệp được trường cấp bằng chính quy và được học liên thông lên ĐH chính quy… (?!). Giấy báo nhập học của Trường ĐH Thành Tây cũng vậy, ngoài các ngành học thí sinh được lựa chọn, nhà trường còn ghi rõ quyền lợi thí sinh được hưởng: có ký túc xá; ưu tiên giới thiệu địa điểm thực tập tốt nghiệp, việc làm tại Hà Nội; tốt nghiệp được cấp bằng chính quy quốc gia, có giá trị trên toàn quốc; hỗ trợ vay vốn ngân hàng để đi học…


Thực tế, tình trạng không thi, không đăng ký nguyện vọng vẫn được gọi nhập học đã xuất hiện mấy năm nay, tuy nhiên, mức độ xuất hiện ngày một “nóng”. Trước đây, chủ yếu là một số trường trung cấp, CĐ, hoặc ĐH ngoài công lập nhưng hiện nay, số trường gọi thí sinh học ngày càng nhiều, trong đó có cả một số trường ĐH được cho là uy tín. Ban đầu nhận được giấy, thí sinh và phụ huynh còn thấy vui vì hy vọng vào một môi trường học tập mới, nhưng rồi giấy báo quá nhiều lại khiến họ nghi ngại. Một nhân viên bưu điện xã chia sẻ: “Từ sau thông báo kết quả ĐH đợt 1 đến nay, chúng tôi liên tục chuyển các giấy báo nhập học dạng như thế này. Trước đây, mỗi lần mang giấy thông báo nhập học đến là gia đình nào cũng phấn khởi. Bây giờ, đa phần các gia đình đều tỏ ra ngán ngẩm”.


Thực trạng trên khiến chúng ta phải suy ngẫm. Tại sao các trường lại phải chiêu sinh một cách “thương mại hóa” như vậy? Đó là cả một câu chuyện dài của nền giáo dục mà trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một góc độ nhỏ. Nhiều năm qua, tại Hà Tĩnh có không ít gia đình cho con nhập học theo các giấy báo này, thậm chí, nhiều người khó khăn vẫn vay vốn ngân hàng cho con theo học. Tuy nhiên, thực tế sau khi ra trường, các em thuộc diện này rất khó xin việc làm; số phải đi học lại một trường chuyên nghiệp khác, số làm công nhân trái ngành, thậm chí đi làm thuê… Nhiều gia đình nợ đến kỳ không có tiền trả.


Vì vậy, các thí sinh không thi, không đăng ký nguyện vọng mà nhận được các giấy báo nhập học cần phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định để tránh tình trạng học không gắn với sở trường, năng lực, nhu cầu thị trường lao động; có bằng nhưng không tìm được việc làm.


Thục Chi

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP