Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm, tăng thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo |
Ngay sau khi đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) được Bộ Tài chính đưa ra, ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, chính sách thuế mới có thể tác động lớn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính từng khẳng định, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Cũng theo ước tính của Bộ Tài chính mức tăng thuế giá trị gia tăng có thể khiến CPI tăng thêm 0,06-0,39%.
Đánh giá về đề xuất nêu trên và số liệu được Bộ Tài chính nêu ra, nhóm nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, đây không phải là một tác động đáng kể lên lạm phát, tuy nhiên, do thiếu tính minh bạch trong phương pháp tính toán nên nhóm nghiên cứu vẫn “nghi ngờ” về tác động này.
Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt cũng cho biết, hiện tại, nhiều nhà kinh tế quan ngại nhất về ảnh hưởng của việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với nhu cầu chi tiêu của hộ gia đình, sự phân phối thu nhập và hoạt động kinh tế ngầm. Nếu mức thuế giá trị gia tăng cao tác động làm giá cả cao hơn, nó sẽ làm giảm thu nhập thực.
“Theo Euromonitor, mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế khá, dự báo phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thu nhập thấp đến năm 2030. Do đó, việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể khiến chi tiêu dùng yếu đi”, báo cáo nêu.
“Tuy nhiên, bởi vì không phải tất cả các sản phẩm đều phải chịu thuế giá trị gia tăng (ví dụ như các nhu yếu phẩm); tăng trưởng về thu nhập vẫn tiếp tục diễn ra ở Việt Nam và kỳ vọng sẽ có các hỗ trợ bổ sung về mặt chính sách, chúng tôi cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực của thuế giá trị gia tăng đối với tổng cầu và sự phân phối thu nhập có thể bị giảm đi một phần”, nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
Cũng tại bản báo cáo các chuyên gia cho biết, dựa trên các quan sát thực tế, việc tăng thuế VAT sẽ khiến quy mô của nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam tăng lên. Theo nghiên cứu gần đây nhất, nền kinh tế ngầm của Việt Nam chiếm trung bình khoảng 15,1% GDP trong giai đoạn 1991- 2015. Nếu nền kinh tế phi chính thức phát triển, thì tăng trưởng GDP cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Dựa vào ước tính của chúng tôi, việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể tạo ra lợi ích trung hạn trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Năm 2016, thuế giá trị gia tăng đóng góp 24,5% vào thu ngân sách. Nếu chính sách thuế mới được áp dụng vào năm 2019, thu ngân sách có thể được thêm vào khoảng 70.000 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ so với quy mô của mục tiêu thâm hụt ngân sách trong giai đoạn 2016-2018”, báo cáo cho hay.
Đánh giá tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu cho rằng việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể gây ra lạm phát cao hơn, giảm tổng cầu và gia tăng bất bình đẳng về thu nhập. Ngược lại, thu ngân sách nhà nước được cải thiện.
Cũng liên quan đến quan điểm “tăng VAT không ảnh hưởng đến người nghèo” được Bộ Tài chính đưa ra, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright từng bình luận “đây là một kết luận hết sức phiến diện”.
“Lý thuyết rất cơ bản của kinh tế học, người nghèo có tỷ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng cao hơn người giàu. Vì vậy gánh nặng thuế VAT họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ lệ cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT hiển nhiên sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”, TS Tự Anh cho hay.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn tin: Báo Dân trí