Hà Tĩnh ngày nay

Tăng phí cầu Bến Thủy: Nới rộng dòng sông vô hình giữa Nghệ và Tĩnh

Gần đây câu chuyện tăng mạnh phí cầu Bến Thủy (nối tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) đã làm nóng dư luận, đặc biệt là người dân xứ Nghệ, bức xúc hơn cả là những con người mưu sinh bên đôi bờ sông Lam. Thế nhưng, ngoài câu chuyện tăng phí liên quan đến túi tiền của người dân thì ở đâu đó là cả một nỗi niềm giữa hai miền Nghệ-Tĩnh.

   >> Phí qua cầu Bến Thủy tăng sốc 50%, dân kêu cứu Bộ trưởng Thăng

hatin24h
Nghệ An và Hà Tĩnh dương như ngày càng xa nhau hơn khi phí cầu Bến Thủy liên tục tăng chóng mặt (Ảnh: Nguồn Internet)

Còn nhớ tháng 5/1990, hàng triệu người vui mừng, nô nức bởi sự kiện khánh thành cầu Bến Thủy, cây cầu nối hai bờ sông Lam, nối Nghệ An với Hà Tĩnh kết thúc những chuyến phà ì ạch trên sông. Đó là những ngày đầu của tách tỉnh khi mà “mai em về Hà Tĩnh em ở lại Nghệ An” không bao giờ phai trong ký ức của những người gắn bó máu thịt với vùng đất Nghệ.

Chúng tôi, lớp hậu sinh khi đó còn chưa hiểu hết được ý nghĩa của kiện này mà còn có chút buồn vì từ đây chẳng còn được hộc tốc với cái đầu tóc cháy xém, ngoài giờ lên lớp cùng nhau len lỏi bán nước trên những chuyến phà chật kín. Cái ngày mà chúng tôi chỉ ngây thơ ước mong phà đừng tắc, xe thông để mẹ bị … ế cơm, ế bánh để chúng tôi được ăn một bữa ngon lành mà không biết sau gánh hàng mẹ về trĩu nặng nỗi buồn…

Cầu thông niềm vui là thế nhưng trong ký ức của chúng tôi những người sinh sống ở cả Nghệ và Tĩnh trong hơn hai mươi năm qua đều như cảm nhận một sự trăn trở. Hơn 25 năm ra đời với vai trò nối huyết mạch Bắc Nam thì bên cạnh đó cầu Bến Thủy cũng cõng trên mình những trách nhiệm hoàn vốn từ thu thuế phí, Bến Thủy chưa một ngày được vươn mình hiên ngang như những cây cầu trên sông Lam.

Tôi còn nhớ câu chuyện thuế phí cũng đã được bàn đi bàn lại không chỉ riêng ở Nghệ An mà là khắp cả nước. Thế rồi người dân lam lũ xứ Nghệ ở đôi dòng sông Lam đã thở phào khi được miễn phí vé xe máy qua trạm thu phí Bến Thủy. Những chuyến xe máy chở hàng nông sản từ Nghi Xuân, Đức Thọ, Hồng Lĩnh .. về chợ Vinh dường như nhẹ và bon hơn. Dần về sau đời sống được dần nâng lên người ta cũng ít để tâm đến việc thu phí ở cầu nữa, khi đã có ô tô, đã muốn về với quên hương hai miền đất Nghệ thì việc phí có cao đến đâu người ta có còn đâu quan trọng. Dường như nếp nghĩ đó đã là điều hiển nhiên, người dân đã tích cực đóng góp cho nguồn thu ngân sách để tái thiết. Bến Thủy trở thành cây cầu biểu tượng bên cạnh sông Lam Núi Hồng trải qua hơn 25 năm không ngừng thu phí.

Ngày 7/9/2012, xứ Nghệ lại nô nức đón chào sự kiện thông cầu Bến Thủy 2 nối đôi bờ sông Lam, cầu mới đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển. Cùng với cơ chế BOT các công trình đường tránh thành phố Vinh, Cầu Bến Thủy 2 được xây mới, đường về Hà Tĩnh rộng thênh thang…

Câu chuyện sẽ không có gì nóng nếu lộ trình thu hồi vốn càng sớm buộc nhà đầu tư không ngừng tăng giá vé. Hơn thế “trăm dâu đổ đầu tằm” khi trạm thu phí tại cầu Bến Thủy kiêm luôn trách nhiệm hoàn vốn cho cả đường tránh Vinh, cầu vượt, QL1A tuyến Nghi Xuân-Hồng Lĩnh.

Giá vé tăng liên tiếp với mức chóng mặt 50%, việc thu phí bất hợp lý đã gây bức xúc trong dư luận. Người dân hai bên bờ sông Lam đã gửi tâm thư cho cả Bộ trưởng Thăng, kiến nghị cơ quan chức năng đến bày tỏ thái độ trên báo chí. Thế nhưng, từ góc nhìn của pháp lý thì nhà đầu tư tăng phí đúng lộ trình. Thông tư 51-2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính đã cho phép CENCO4 tăng mức phí một lần nữa từ ngày 1/1/2016 đã làm giọt nước tràn ly. Sâu xa trong đó có căn nguyên của việc phí chồng phí mà người dân nghèo chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Giá vé tăng liên tiếp với mức chóng mặt 50%, việc thu phí bất hợp lý đã gây bức xúc trong dư luận.  (Ảnh:Nguồn Internet)

Nếu xét về lý đã quá rõ ràng, thế nhưng trên thực tế địa phương đã xảy ra nhiều bất cập trong đó việc cào bằng đối tượng sử dụng dịch vụ như nhau đã nẩy sinh sự thiếu đồng thuận của người dân.

Có thế thấy bức xúc của người dân là chính đáng, bởi họ không sử dụng dịch vụ hoặc chỉ sự dụng một trong ba dịch vụ (cầu, đường, đường tránh) nhưng phải chịu một mức cào bằng tổng là chưa xác đáng. Vấn đề là doanh nghiệp không nên chăm chăm cái lợi cho mình mà phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ hợp lý, chia sẻ với người dân để tạo sự đồng thuận.

Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, Nguyễn Hồng Kỳ từng trao đổi trên Vietnamnet ngày 15/12 đã không khỏi bức xúc: “Việc kiểm soát phương tiện đi qua đường tránh là của BOT Vinh. Từ bên này cầu sang bên kia cầu cũng thu 30 ngàn đồng là không đúng. Thu phí là phải đúng người, đúng phương tiện và không thể đánh đồng tất cả các phương tiện khi qua cầu. Còn cách thức tổ chức thực hiện như thế nào là việc của BOT Vinh”.

Giá vé tăng, nhiều người khổ, thế nhưng khổ nhất vẫn là những người dân sinh sống sát hai bên chân cầu hàng ngày phải qua lại để làm việc, giao thương. Họ “dở khóc dở cười” bởi có thể phải từ bỏ phương tiện ô tô trở về đi xe máy. Không chỉ đi làm mà xung quanh đó còn biết bao câu chuyện đời thường phải tính toán như đưa đón con, thăm hỏi, học tập, giao thương… Tôi còn nhớ một lần gọi bạn sang thành phố Vinh uống cà phê tôi bị anh bạn nửa đùa nửa thật từ chối: “sang uống ly cà phê mất trăm ngàn tiền vé, thôi mi sang đây tau mời”. …

Thuế phí là câu chuyện muôn thủa, thế nhưng theo trả lời của cơ quan đại diện thì lộ trình thu phí sẽ đến hết năm 2031, có nghĩa là khi hơn 40 tuổi cầu Bến Thủy 1 vẫn oằn mình với sứ mệnh hoàn vốn!

Dường như, ở đâu đó khoảng cách đã được dần nới xa hơn giữa Nghệ và Tĩnh bởi một dòng sông vô hình mang tên thuế, phí.

Cồn Mô, Bến Thủy, đêm 15/12/2015

Thái Sơn – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP