Pháp luật

Tài xế mở cửa xe gây tai nạn chết người có thể bị khởi tố hình sự

Tài xế ô tô đang đậu trên đường bất ngờ mở cửa đúng lúc xe máy của chị N. chạy đến. Tình huống bất ngờ khiến cô gái trẻ ngã xuống đường và bị xe buýt chạy chiều ngược lại cán tử vong. Theo luật sư, hành vi của tài xế này có thể bị khởi tố hình sự.

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 14h ngày 31/7, chị Huỳnh Bảo N. điều khiển xe máy lưu thông trên đường Phan Đình Phùng đoạn trước cổng chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương). Khi chị đang chạy gần tới 1 chiếc ô tô đậu bên lề đường, người đàn ông trên xe bất ngờ mở cửa khiến chị N. không kịp xử lý, loạng choạng tay lái rồi ngã ra đường.

Cùng thời điểm, xe buýt do tài xế Lê Phước Tr. (49 tuổi) điều khiển chạy tới không kịp xử lý đã cán qua người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn

Để làm rõ trách nhiệm của các bên, Dân trí đã có buổi trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc công ty luật Đức Chánh - về vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

- Thưa luật sư, theo quy định thì nếu tài xế mở cửa ô tô bất cẩn gây ra tai nạn phải bị xử lý như thế nào?

- Theo khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định sau: “đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn”.

Như vậy, việc lái xe bất ngờ mở cửa là hành vi không bảo đảm an toàn về giao thông đường bộ khi dừng đỗ. Nếu hành vi này gây ra tai nạn thì tài xế đã có lỗi trong việc này, phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

- Ngoài bồi thường dân sự thì người điều khiển phương tiện sẽ chịu trách nhiệm gì nữa, thưa luật sư?

- Ngoài trách nhiệm bồi thường, người mở cửa ô tô thiếu quan sát, gây ra tai nạn cho người khác còn có thể bị phạt hành chính, hoặc khởi tố hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp việc vi phạm về việc mở cửa xe mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị xử phạt hành chính về lỗi “mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn” theo điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46 năm 2016 của Chính với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Còn nếu làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu TNHS về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và áp dụng điểm có lợi theo Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…

- Vụ việc xảy ra vào ngày 31/7 tại Bình Dương gây ra hậu quả rất nghiêm trọng là chị N. đã tử vong. Như vậy, có thể khởi tố hình sự tài xế ô tô này phải không?

- Điều này còn phải chờ kết luận điều tra của cơ quan công an. Bởi theo clip ghi nhận thì hình như chị N. đã té trước khi va vào cửa ô tô. Nếu va vào cửa ô tô thì cơ quan điều tra đã có thể trực tiếp khởi tố vụ án hình sự vì lỗi của tài xế ô tô mở cửa bất cẩn gây ra cái chết của chị N. là rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong trường hợp này còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, nếu xác định rõ là lỗi của tài xế ô tô thì chắc chắn sẽ khởi tố hình sự.

- Còn tài xế điều khiển xe buýt trực tiếp cán qua khiến chị N. tử vong thì sao thưa ông?

- Đây là sự cố bất ngờ nên không thể xử lý tài xế lái xe buýt được. Bởi vì chị N. bất ngờ té ngã, tình huống xảy ra quá nhanh nên tài xế xe buýt không xử lý kịp chứ không thể xác định là lỗi của tài xế xe buýt.

- Vâng, xin cảm ơn luật sư Nguyễn Đức Chánh!

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP