Sự cuốn hút của bài vè không phải ở ngôn ngữ tinh túy bác học mà là ngôn ngữ chân quê của Xứ Nghệ ngàn đời nói chung và Thạch Hà nói riêng. Một học giả đã từng bình luận: Nếu ai chưa ăn cà Xứ Nghệ thì không thể hiểu được các hình tượng trong bài vè này. Đúng vậy, những thành ngữ đặc sệt chất địa phương như: Bay gạy chọng, bể nồi. Chọng ở đây là chiếc chõng được làm bằng thứ tre ngà để thay giường của người dân nghèo hồi ấy. Từ bể nồi trong ngôn ngữ phổ thông là vỡ nồi.
Hình ảnh máy bay giặc Mỹ Bay rách nón, rách tơi/ Bay gạy chọng bể nồi được tác giả nhân hóa lên để thấy rằng, tốc độ, âm thanh cùng với sự liều lĩnh khi dùng máy bay để đánh phá đồng bào ta trong thời điểm ấy là đỉnh cao của khốc liệt. Nhưng cao hơn mọi mưu chước quân thù, đó là tinh thần đề cao cảnh giác, tinh thần chủ động, mưu trí của quân và dân ta nên hàng loạt máy bay của giặc Mỹ thời đó đã bị đạn ta vây lưới lửa. Hai khổ đầu của bài vè, tác giả cho người đọc một tiếng cười hào sảng, lạc quan pha chất trào lộng, khinh thường cả loại vũ khí tối tân của đế quốc xâm lược Mỹ, đồng thời, chứng minh cho cả nhân loại thấy sự khinh nhờn này là có cơ sở.
Núi Nài những năm chống Mỹ |
Bắt đầu bằng sự kiện nóng hổi nhất; Ngày 26/3/1965, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 chiếc máy bay phản lực Mỹ. Đây là niềm vui bất tận của hàng triệu trái tim và tạo nên nguồn cảm xúc lớn cho những ai có năng khiếu sáng tác nhạc, thơ, vè… Nếu không có niềm vui chiến thắng ấy thì sẽ khó có bài vè Thần sấm ngã đi qua năm tháng.
Hình ảnh dân quân xã Thạch Hòa không phải là những pháo thủ đứng bên trận địa mà đơn giản chỉ Khẩu súng trường đem ra rồi Bắn cho bò trệt bò trà. Ngay cả những nhà quân sự tài ba trên thế giới cũng không thể hiểu nổi phép mầu nhiệm nào mà dân Việt Nam đã tạo ra cách đánh tuyệt vời đó.
Từ chiến thắng giòn giã của ngày 26/3/1965 đã nhân lên sức mạnh, nhân lên niềm tin cho nhân dân Hà Tĩnh và quân dân cả nước Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến thắng dồn dập chiến thắng. Khi mỗi đồng ruộng đều trở thành chiến trường, mỗi người dân đều là chiến sĩ, họ xác định bắn máy bay là bình thường như việc cấy cày. Chính vì vậy, bài vè Thần sấm ngã trong thời điểm lịch sử bi hùng ấy từ già đến trẻ, ai cũng thuộc, bởi ngoài cấu trúc, hình ảnh gần gũi, Thần sấm ngã còn “thông tin sự kiện”, động viên cổ vũ mọi người hăng hái đánh giặc.
Tác giả dẫn thêm Bữa tháng bảy vừa rồi/ Mò đến Thạch Ngọc nhà tui. Nói Thạch Ngọc để nói hộ cho bao làng quê khác trên cả nước đều bị “Thần Sấm” “mò” tới. Các thông tin và kết cục hay nhất ở bài vè này là “Thần sấm” “mò” tới đâu là “ngã” tới đó.
Hình ảnh máy bay giặc Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi được tác giả tái hiện thật sống động: Thần chui đầu xuống rọng rồi đến Thằng phi công lọng khọng/ Cút cả áo lẫn miều và thê thảm hơn là Chết nhăn răng ra đó/ Nằm chỏng quèo ra đó. Điều đó khẳng định, bất cứ kẻ thù nào xâm phạm tới quê hương của người dân Việt Nam cũng đều phải trả giá đích đáng. Câu kết thúc bài vè Thằng Mỹ không có gì đáng sợ như càng sáng thêm chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do!” của Bác Hồ. Một thời đại O dân quân tay súng tay cày/ Chân lội bùn mơ hạ máy bay, hay như nhà thơ Chế Lan Viên đã thốt lên Tổ quốc chưa bao giờ đẹp thế này chăng thì bài vè Thần Sấm ngã đã trở thành tiếng ca vang của thời đại.
Quỳnh Hậu