Văn hoá Dân gian

Sức sống mãnh liệt của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Trong những ngày này, đi bất cứ vùng làng quê Hà Tĩnh, ta sẽ nghe trên các phương tiện truyền thanh làng, xã vang vọng những câu đò đưa Ví, Giặm, thể hiện niềm vui, niềm phấn khởi và lòng tự hào của người dân xứ Nghệ khi được UNESCO công nhân điệu dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa của nhân loại.

Đó là minh chứng thể hiện sự trường tồn, sức sống mãnh liệt của làn điệu Ví, Giặm trong tâm hồn mỗi người dân trên mảnh đất kiên trung này.

Các nghệ sĩ của CLB dân ca thành phố Hà Tĩnh trình diễn tiết mục ví, giặm “Tổ khúc giao duyên”. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Trường tồn với thời gian

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật diễn xướng có truyền thống lịch sử từ lâu đời do nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất.

Dân ca Ví, Giặm là sản phẩm của vùng quê Nghệ Tĩnh vốn nhiều thiên tai khắc nghiệt, nghèo khó một thời nhưng phong cảnh hữu tình, con người cần cù lao động, anh dũng, kiên cường và nghĩa tình, chung thủy.

Nhà thờ Lê Quang Thắng viết : “…Khúc dân ca có từ trong máu thịt. Không thể dối lòng, làm sống dậy một hồn quê…” với người dân xứ Nghệ làn điệu dân ca đã thấm đẫm từ khi mới lọt lòng qua lời ru của mẹ và từ đó đi theo cả cuộc đời họ.

Còn nhạc sỹ Trần Hoàn thì muốn nhắn nhủ với nhân dân cả nước rằng: Trước lúc vĩnh biệt cõi đời này Bác Hồ thân yêu của chúng ta không bao giờ quên câu hò xứ Nghệ

“…Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu Ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ…/Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời/ Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông…”. Từ bậc vĩ nhân đến người dân bình thường làn điệu dân ca luôn đi suốt cả cuộc đời.

Ông Trịnh Ngọc Châu, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở Văn hóa, Thể dục Thể thao và Du Lịch Hà Tĩnh nói: Sau khi UNESCO công nhận làn điệu dân ca Ví, Giặm trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, Sở Văn hóa Thể dục Thể thao và Du lịch chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tiếp tục sưu tầm và phục dựng các làn điệu để đi lưu diễn cho nhân dân vùng sâu, vùng xa.

“Bên cạnh đó, chúng tôi thống kê số nghệ nhân đã lớn tuổi để sưu tầm các làn điệu dân ca lời cổ để ghi âm, ghi hình phục dựng các tổ khúc, vở diễn”, ông Châu bổ sung.

Tỉnh Hà Tĩnh có gần 70 Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm; trong đó có 36 Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên và khi có sự kiện văn hóa, văn nghệ thì các Câu lạc bộ này là đơn vị nòng cốt để lưu diễn ở cơ sở.

Gần đây, Sở Văn hóa, Thể dục Thể thao và Du Lịch tỉnh đã phối hợp với Hội văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức trại sáng tác viết về tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh nhằm có nhiều tác phẩm mới hơn nữa phục vụ nhân dân.

Đối với người dân xứ nghệ, các hoạt động văn hóa của làng xã, đám cưới, đám hỏi, lễ mừng thọ hay những cuộc hội ngộ anh em, bè bạn đó chính là không gian diễn xướng của làn điệu dân ca. Mỗi người dân từ già tới trẻ đều thuộc một đôi câu trong các làn điệu Ví, Giặm và đó chính là nét văn hóa trong đời sống của mỗi người.

Anh Nguyễn Công Trình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà chia sẻ: Chúng tôi vừa đạt giải xuất sắc và giải sáng tác tự biên: Tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Thịnh Lộc miền quê yêu dấu” ở Hội diễn văn nghệ quần chúng lực lượng vũ trang huyện Lộc Hà chào mừng 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đó là sự nỗ lực của mỗi thành viên trong câu lạc bộ, bởi ngoài các thể loại khác được thể hiện ở hội thi thì thể loại dân ca Ví, Giặm luôn được chúng tôi đầu tư và kết quả rất thành công. Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Thịnh Lộc có 20 người, nghệ nhân lớn tuổi như cụ Hoàng Văn Ấn, Hoàng Văn Hợi; người trẻ tuổi Nguyễn Thị Hà My, Nguyễn Thị Trinh… Hàng tháng câu lạc bộ sinh hoạt và từ đó các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy các làn điệu cho lớp trẻ.

Gần đến Tết dương lịch và trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, tất cả huyện thị xã, thành phố ở Hà Tĩnh đều tổ chức hội diễn văn nghệ sôi nổi.

Đến khắp các làng, xã, các câu lạc bộ chúng ta đều thấy các nghệ nhân dân ca Ví, Giặm cùng thế hệ trẻ đang miệt mài tập luyện và từ đó làn điều dân ca được ươm mầm, nhân rộng và truyền dạy cho thế hệ mai sau.

Bảo tồn và phát triển giá trị dân ca Ví, Giặm

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mặc dù bị tác động của nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng nhờ bén rễ sâu trong đời sống xã hội, được nhân dân lao động qua hàng trăm năm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, dân ca Nghệ Tĩnh không những không bị mai một mà còn có một sức sống mãnh liệt.

Khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, làn điệu Ví, Giặm cần được quan tâm hơn nữa, bảo tồn, phát triển sâu rộng lên một tầm cao mới.

Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Để bảo tồn làn điệu dân ca Ví, Giặm, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân địa phương nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học to lớn của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của toàn nhân loại. Đó là tinh hoa, sáng tạo văn hóa của cha ông để lại và là niềm tự hào của nhân dân Nghệ Tĩnh, của văn hóa Việt Nam.

Để dân ca Nghệ Tĩnh trở về với cội nguồn của nó, các đơn vị chức năng tạo điều kiện để khôi phục các không gian trình diễn dân gian trong các địa bàn dân cư, làng xóm, để nhân dân lao động thực sự là chủ thể sáng tạo và thưởng thức vẻ đẹp âm nhạc độc đáo, đằm thắm, trữ tình vốn có của loại hình nghệ thuật trình diễn này.

Ngoài việc khuyến khích sáng tác lời mới cho dân ca Ví, Giặm, các tác phẩm âm nhạc mới trên nền dân ca Nghệ Tĩnh ca ngợi đất nước, quê hương, cuộc sống đang từng ngày đổi mới dựa trên các trại sáng tác, hay hội diễn văn nghệ.

Tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi, gặp mặt các nghệ nhân đã lớn tuổi và có cơ chế, chính sách để các nghệ nhân mở các lớp tại nhà, địa phương, dạy lại cho lớp trẻ. Hiện tại nghệ nhân Nguyễn Thị Minh ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên; Nguyễn Thị Nguyệt, phường Tân Giang Thành phố Hà Tĩnh; ông Khánh Cẩm, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh đã mở các lớp truyền dạy dân ca cho lớp trẻ; Phòng Giáo dục huyện Nghi Xuân đưa tiết học dạy về dân ca Ví, Giặm vào trong trường học để dạy cho học sinh…

Với mạch nguồn sống mãnh liệt từ bao đời cho đến nay, làn điệu dân ca Ví, Giặm luôn được phát huy và bảo tồn trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ sẽ sống mãi với thời gian.

Công Tường/Tin Tức Online

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP