Trong nước

Sửa Luật Căn cước công dân, 8 vấn đề lớn cần xin ý kiến

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước… là hai trong 8 vấn đề lớn cần xin ý kiến trong Luật căn cước công dân sửa đổ

Sáng 10/8 tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp với Ban soạn thảo để cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Qua nhiều phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thống nhất nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình.

Để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 tới đây, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp với Ban Soạn thảo và các cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý và những vấn đề lớn cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới (Ảnh: Quochoi.vn).

Tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo dự thảo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Theo đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo 8 vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: Về tên gọi của dự thảo Luật; về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước; về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; về người được cấp thẻ căn cước; về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và về việc cấp, quản lý căn cước điện tử.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, thảo luận ở hội trường về Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến, đối với quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam, theo báo cáo, có gần triệu người thường trú tại nước ta nhưng không có giấy tờ tuỳ thân.

Đa phần họ rất khó khăn về kinh tế, không có chính sách an sinh - xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.

“Sống trong đất nước thanh bình mà cuộc sống bất hợp pháp, nếu có vấn đề xảy ra sẽ không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ, rất bất cập”, ông Hoà nhìn nhận và cho biết, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, quá trình triển khai phải thận trọng, khách quan, đơn giản thủ tục.

Đối với quy định thông tin của công dân, ông Hòa cho rằng, quá nhiều thông tin, nên thiết kế lại những khoản trùng lặp, không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú tạm trú), số căn cước nếu đã có căn cước công dân, ngày - tháng - năm chết hoặc mất tích, tình trạng khai báo tạm vắng.

Theo ông, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt.

Đối với thông tin trên thẻ căn cước, đại biểu đề nghị, điều chỉnh một số nội dung trên thẻ như: nơi sinh thay cho nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thay cho nơi cư trú, nơi cấp là Công an tỉnh thay cho Bộ Công an.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP