Mỗi dịp cuối năm học, hiện tượng phổ biến xảy ra ở các trường (đặc biệt là cấp tiểu học) khi “cháu nào cũng nhận giấy khen”, với nhiều thành tích như: Học vượt trội Toán và Tiếng Việt, tích cực tham gia văn nghệ, thể thao… Nhiều người cho rằng đây là tình trạng “lạm phát” giấy khen.
Đề cập vấn đề này tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 29/5, bà Hoàng Thị Minh Hương - phó trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho hay việc khen thưởng đối với học sinh tiểu học hiện nay theo quy định tại điều 16 Thông tư 22 ngày 22/9/2016, đề cập rất rõ các trường hợp khen thưởng cho học sinh cuối năm học.
Bà Hoàng Thị Minh Hương - phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: Đ.T. |
Cụ thể, đối tượng được khen thưởng là học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, kết quả đánh giá môn học. Tiêu chí để được khen thưởng cũng rất rõ ràng như phẩm chất, năng lực phải được đánh giá tốt, các bài kiểm tra cuối năm được đánh giá từ 9 điểm trở lên. Học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc ít nhất về một môn học hoặc một phẩm chất nào đó.
Ngoài ra, trường cũng có khen thưởng cho những em có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét và đề nghị cấp trên khen thưởng.
Theo đại diện Sở GDĐT, khi ban hành Thông tư 30, việc “lạm phát” giấy khen không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn có ở nhiều tỉnh, thành khác.
Đến năm 2016, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 quy định cụ thể hơn, rõ hơn đối với việc khen thưởng học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thành lập đoàn kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện Thông tư 22, Thông tư 30 đối với việc đánh giá học sinh tiểu học.
“Năm ngoái và năm nay, nhìn chung, việc thực hiện Thông tư 22 và Thông tư 30 được thực hiện khá tốt, đúng tinh thần chỉ đạo của bộ và của sở”, bà Hương nói.
Những năm trước đó, một số phụ huynh có con học lớp 1 ở Hà Nội nhận được giấy khen ghi "Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt", và không hiểu con mình được khen gì. Một số người khác thông tin con họ nhận được giấy khen "Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học, Ứng xử thân thiện - Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè", khá rườm rà, rắc rối.
Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Sau 2 năm triển khai thực hiện quy định này, nhiều phản ứng trái chiều đến từ chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh... |
Tác giả: Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn