Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với các công chức này, thay vào đó chỉ quy định về “năng lực sử dụng được ngoại ngữ, tin học”. Việc kiểm tra năng lực của công chức thế nào sẽ có quy định chi tiết.
Theo ông Trương Hải Long, căn cứ để Bộ Nội vụ dự thảo Thông tư trên là Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn quy định: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch công chức thăng hạng viên chức”. Thêm vào đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định mới hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, trong đó đã có quy định đơn giản hóa thủ tục về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Theo Nghị định này, trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GDĐT (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3) mà tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Các trường hợp đã được miễn thi ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Tại dự thảo Thông tư mới này, Bộ Nội vụ cũng nêu rõ: “Không quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng” mà chỉ quy định về “năng lực sử dụng được ngoại ngữ, tin học”. Việc kiểm tra kiến thức thực sự, năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học thực sự của ứng viên sẽ có từng vị trí với những yêu cầu cụ thể rõ ràng mà ứng viên phải đáp ứng được chứ không chỉ căn cứ vào văn bằng, chứng chỉ trước đây.
Nếu Thông tư này chính thức được ban hành điều đó đồng nghĩa với các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học một cách hình thức trước đây sẽ chấm dứt không chỉ với viên chức ngành Giáo dục. Tuy nhiên, Thông tư này chỉ áp dụng với công chức - đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ. Đối với viên chức, vẫn phải đợi các bộ quản lý chuyên ngành sửa đổi thông tư của họ, như Bộ GDĐT vừa mới sửa đổi tại Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3 này.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tư Long cho biết thêm, tùy từng vị trí việc làm, các cơ quan sẽ xây dựng điều kiện tương ứng, như công chức làm ở Vụ Hợp tác Quốc tế của các Bộ, tiếng Anh có thể phải bậc 6 chứ không ở bậc 2,3; hay các cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không cần thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh, tin học, vì “trong điều kiện khó khăn, động viên các cháu đến trường mới là quan trọng nhất”...
Theo ông Long, Thông tư lần này bỏ các điều kiện chứng chỉ không có nghĩa là công chức, viên chức không cần trình độ ngoại ngữ, tin học. Khi được ban hành, dự thảo Thông tư nêu trên sẽ áp dụng với công chức ngạch hành chính từ cấp huyện trở lên và viên chức lưu trữ. Còn công chức, viên chức ngạch khác như thanh tra viên, kiểm toán viên..., thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên các cơ quan này sẽ ban hành quy định cụ thể. Tuần tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ có cuộc họp để bàn về nội dung trên.
Tác giả: N.Khánh
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết