Giáo dục

Sau 'tự nguyện' là số tiền 'khủng' từ dạy liên kết trong trường học ở Thanh Hóa

Tìm hiểu về hoạt động dạy liên kết trong các trường học tại Thanh Hóa, Báo GD&TĐ phát hiện số tiền thu về của 'học tự nguyện' không hề nhỏ.

Một tiết học ngoại khóa do nhà trường liên kết với một trung tâm ở Thanh Hóa.


Tiếp tục tìm hiểu về hoạt động dạy liên kết trong các trường học tại Thanh Hóa (như số báo phát hành ngày 19/10 đã đăng tải), Báo GD&TĐ phát hiện số tiền thu về của cái gọi là “học tự nguyện” không hề nhỏ.

Biết là vô lý, nhưng… buộc phải làm?

Hiện nay, nhiều trường tiểu học, THCS ở Thanh Hóa đang thực hiện việc ký hợp đồng liên kết với các công ty cổ phần giáo dục, công ty TNHH phát triển giáo dục, trung tâm ngoại ngữ... để dạy tăng cường môn Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt, Kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa cho học sinh. Hoạt động này dù mang tính tự nguyện nhưng không ít phụ huynh cũng đành “cắn răng” mà đóng học cho con.

Một phó hiệu trưởng trường tiểu học ở Thanh Hóa (xin không nêu tên) lên án vấn đề liên kết dạy Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt, Kỹ năng sống... trong các trường học. Bởi theo anh, hiện việc học tập của học sinh đã quá áp lực rồi.

Do “cơ chế” tạo ra, cho nên những công ty cổ phần, công ty TNHH phát triển giáo dục, trung tâm ngoại ngữ... có quyền liên kết, ký hợp đồng kinh tế với trường học để dạy ngoài giờ chính khóa cho học sinh tiểu học hoặc THCS.

Và như thế, những doanh nghiệp ấy cầm theo giấy giới thiệu của cơ quan cấp trên về các trường học, đặt vấn đề ký hợp đồng liên kết dạy ngoài giờ chính khóa. Đến bước này, hiệu trưởng, ban giám hiệu, giáo viên đều chịu một “áp lực vô hình” đè lên vai.

Cuối cùng, những người phải “gánh chịu” là học sinh và phụ huynh. Học sinh phải “gánh chịu” áp lực học hành thêm giờ buổi chiều, còn phụ huynh thì chịu phần đóng góp tiền bạc.

“Tôi cho rằng, đây là trá hình. Bởi, cơ sở vật chất là do Nhà nước và người dân đầu tư. Nhà trường có đội ngũ giáo viên, có chuyên môn, tại sao phải phối hợp để chia và nuôi một hệ thống của trung tâm ngay trong trường học?

Nếu nhà trường tổ chức tăng tiết, học sinh chỉ đóng 50% + 23% = 77% số tiền, thì có phải đỡ áp lực đóng góp không? Thứ nữa, cấp THCS học mỗi tiết 45 phút, đóng phí 6.000 đồng, trong khi tiểu học chỉ học có 35 phút/tiết, lại phải đóng phí 8.000 đồng; hay 9.000 thậm chí là 10.000 đồng. Như thế, có phải là ngược đời không? Đề nghị các cấp có thẩm quyền cần xem xét”, một thầy giáo bức xúc nói.

Về phía các doanh nghiệp dạng này, họ hoạt động theo luật cho phép. Thế nhưng, cách “ăn chia” của một vài đơn vị đã khiến chính giáo viên tham gia dạy liên kết ngoài giờ chính khóa chịu thiệt thòi.

Còn tâm lý phụ huynh học sinh, thì đa số theo phương châm “im lặng là vàng”, “người ta thế nào, mình như vậy”. Hơn nữa, họ tâm lý là con mình đang học ở đây, nếu phản đối, thì nhỡ bị thế này, nhỡ bị thế kia... Vậy là, dù mang tính tự nguyện, nhưng thực ra, chẳng khác gì “ép buộc”.

Một nhà giáo dạy cấp THCS ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (xin giấu tên) vì quá bức xúc, ông đã phải viết đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và tòa soạn Báo GD&TĐ về vấn đề này.

Ông cho rằng, học sinh bây giờ đã phải học 3 tiết hoạt động trải nghiệm/1 tuần. Vậy, tại sao nhà trường lại ký hợp đồng liên kết với các công ty để dạy ngoài giờ chính khóa, thu về một khoản tiền lớn cho cái gọi là “dự án” giáo dục kỹ năng sống?

Một hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng bày tỏ quan điểm: “Trường chúng tôi đóng trên địa bàn phường đang có nhiều học sinh khó khăn. Vì thế, ban giám hiệu nhà trường rất cân nhắc việc ký liên kết với các công ty dạy tăng cường môn học ngoài giờ chính khóa.

Nếu lựa chọn để ký kết hợp đồng giảng dạy một vài chuyên đề kỹ năng sống, như: Phòng chống đuối nước; phòng chống tệ nạn xã hội; an toàn giao thông… thì nhà trường sẽ cân nhắc.

Còn việc dạy thêm, học thêm các môn khác ngoài giờ chính khóa, thì chúng tôi đã từ chối ký hợp đồng liên kết với một số công ty. Hơn nữa, nếu học sinh có nhu cầu học thêm thực sự, thì nhà trường sẽ bố trí giáo viên của đơn vị dạy cho các em, chứ không phải là người đi dạy thuê cho các công ty liên kết”.

Lộ tiền “khủng” đổ vào môn học liên kết

Hợp đồng liên kết giữa công ty truyền thông giáo dục với một trường tiểu học ở Thanh Hóa.


Học phí của những môn học liên kết ngoài giờ chính khóa, tiếng Anh tăng cường, Kỹ năng sống hay Toán, Tiếng Việt trong nhà trường so với quy định của HĐND tỉnh Thanh Hóa không một công ty liên kết nào dám vượt trần.

Có đơn vị, họ ký hợp đồng liên kết với nhà trường mức dao động từ 8.000 đồng; 9.000 đồng hoặc 10.000 đồng/tiết học. Trong khi mức quy định của HĐND tỉnh Thanh Hóa cho phép tối đa là 12.000 đồng/tiết.

Mới nghe qua, thì thấy có vẻ là rẻ, vì số tiền chỉ chừng 8.000 đồng; 9.000 đồng hoặc 10.000 đồng/tiết học, tức là đang thấp hơn mức quy định của Nhà nước (không thu quá 12.000 đồng/tiết). Và, số tiết học trong tuần, trong tháng, trong năm học cũng không phải là nhiều so với số tiết học thêm của học sinh cấp THPT.

Thế nhưng, khi đặt phép tính, mới thấy số lượng tiền mà phụ huynh học sinh đóng góp vào cho môn học ngoài giờ chính khóa, là không hề nhỏ. Vì, nếu so với mức quy định dạy thêm, học thêm ở cấp THCS, THPT, thì học phí của các môn liên kết ngoài giờ chính khóa còn cao hơn từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/tiết học (mức tối đa - PV).

Đặt phép tính, một trường tiểu học có khoảng 700 học sinh, có 500 em tham gia học môn tăng cường và mỗi em phải nộp 630.000 đồng/năm, thì hợp đồng giữa nhà trường và công ty sẽ có giá trị 315 triệu đồng.

Căn cứ vào hợp đồng, công ty trả thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy hết 157,5 triệu đồng. Số tiền còn lại, công ty trích 23% chi cho nhà trường và nghiễm nhiên, với 27% giá trị hợp đồng, công ty thu về cho mình hơn 94 triệu đồng.

Con số cụ thể nêu trên là mới tính tại một trường tiểu học vùng nông thôn. Nếu áp dụng vào các trường ở vùng thị xã, thành phố (là những trường có số học sinh lớn), thì rõ ràng số tiền nộp cho những môn học này trong 1 năm học quả là rất “khủng”.

Một lãnh đạo phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết, năm học này, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố không có trường nào liên kết với các công ty, để đưa giáo viên người nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh tăng cường ngoài giờ chính khóa.

Bởi, mức học phí mà học sinh phải trả cho giáo viên người nước ngoài là 30.000 đồng/tiết, trong khi đối với giáo viên người Việt Nam dạy tiếng Anh chỉ có 12.000 đồng/tiết.

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP