Trong nước

Sắp xếp huyện, xã: Mới làm đề án đã có hiện tượng… chạy!

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, dù mới chỉ có đề án (sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã) đã có đủ thứ chuyện, trong đó có cả hiện tượng… chạy.

Ngày 9/8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định.

Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì chỉ thực hiện một lần sáp nhập…

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, đến nay tỉnh này đã làm xong đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính và chỉ chờ quyết định của Bộ Nội vụ là có thể triển khai được ngay.

Từ thực tế, ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ khi sắp xếp bộ máy hành chính thì trong nội bộ có rất nhiều chuyện. “Mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi. Người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại. Đủ hết cả!”, ông Vinh nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu nghe giới thiệu về việc điều chỉnh địa giới hành chính qua các thời kỳ (Ảnh: VGP)

Cho ý kiến xây dựng đề án, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiến nghị lộ trình từ nay đến năm 2021 cần tập trung làm cấp xã trước. Ông Sơn đồng tình với việc nhập các xã không bảo đảm trên 50% cả hai tiêu chí về diện tích và dân số.

Một trong những vấn đề nữa khiến ông Sơn băn khoăn trong quá trình tổ chức sáp nhập, việc sắp xếp cán bộ cũng gặp nhiều thách thức. Bởi quá trình sắp xếp có những nơi dư tới 2/3 cán bộ, bởi 3 xã nhập làm một. “Từ 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư; 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào”, ông Sơn băn khoăn.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư ủng hộ việc sáp nhập. Ông Tư cũng lường trước được những khó khăn khi sáp nhập bởi nó tác động trực tiếp đến nhiều người. Vì vậy, các bên liên quan cần tính toán kỹ, để tránh phiền hà cho dân và doanh nghiệp.

Về việc xử lý cán bộ dôi dư sau sắp xếp, ông Tư đề nghị Trung ương cần có quy định thống nhất cho cả nước áp dụng.

Ông Trần Tiến Dũng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhận định, công tác cán bộ là vấn đề nhiều địa phương còn trăn trở. Vì vậy, theo ông Dũng cần có chính sách riêng áp dụng cho các trường hợp bị tác động trong quá trình sáp nhập.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng tình với quan điểm từ nay đến năm 2021 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Theo đó, sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã.

Theo Phó Thủ tướng, nếu các địa phương mở rộng thêm số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp thì Bộ Chính trị, Chính phủ rất hoan nghênh và khuyến khích.

Về công tác cán bộ trong quá trình sáp nhập, chia tách, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải đánh giá tác động hết sức thận trọng.

“Chúng ta phải trân trọng đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP