Trong nước

Sáp nhập sở, ngành ở Quảng Bình: 1 Sở có 4 Phó thì nhiều quá!

Tinh giản bộ máy không chỉ là giảm biên chế, mà phải sắp xếp lại cán bộ để bớt người chỉ đạo đi, tập trung người làm chuyên môn phục vụ công việc

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề mới, khó và phức tạp. Quá trình này cũng đang được các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tiếp thu và triển khai quyết liệt, thận trọng.

Tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện từ 1/4/2018.

Ông Nguyễn Minh Lự, Trưởng Ban Tuyên giáo-Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Tuyên Hóa. (Ảnh: Hoàng Thái).

Theo ông Nguyễn Minh Lự, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Tuyên Hóa, qua các bước sáp nhập, thực tế mô hình hiện nay hoạt động bình thường, không có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, về biên chế đã giảm được 1 vị trí lãnh đạo (trước đây cả 2 đơn vị có tổng biên chế 11 người, sau sáp nhập còn lại 10 người).

Cũng theo ông Lự, là Trưởng Ban Tuyên giáo, ông vừa là một Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, vì vậy những đề xuất của ông với Ban Thường vụ Huyện ủy về các mặt công tác của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện có thuận lợi hơn, công việc trôi chảy hơn so với trước khi sáp nhập.

Ông Lự cho rằng, mặt được của sáp nhập hai đơn vị này là đã giảm được 1 vị trí việc làm, những người ở lại sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

“Tôi thấy rằng, mô hình này phù hợp với chủ trương của Đảng hiện nay là tinh giản biên chế, tinh gọn đầu mối, anh em dù thêm việc nhưng đều phấn khởi hoàn thành”-Ông Lự chia sẻ.

Nói về việc sáp nhập sở, ngành theo đề xuất của Bộ Nội vụ với Chính phủ, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tán thành cao và cho rằng, chúng ta cần tinh gọn lại bộ máy, không thể duy trì chính sách “biên chế suốt đời”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ: "Điều hết sức vô lý là 2 người làm chuyên môn phục vụ 4 ông lãnh đạo"-(Ảnh: Hoàng Thái).

Dẫn chứng ngay trong cơ quan nơi ông đang làm việc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình khẳng định: Chỉ với hơn 10 công chức, nhưng đã có vài người trong số đó chưa hẳn có việc để làm. Có người đau ốm hàng năm trời nhưng Sở không có cách gì để đưa họ ra khỏi bộ máy.

Ông Kỳ cũng thẳng thắn nhìn nhận: Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình mà giữ đến 4 Phó Giám đốc là quá nhiều, những Sở có chức năng đặc thù như Sở Du lịch chỉ cần cơ cấu 1 Trưởng và 1 Phó là đủ.

“Ở Sở Du lịch Quảng Bình hiện nay đang có điều hết sức vô lý là 2 người làm chuyên môn phục vụ 4 ông lãnh đạo”-Ông Kỳ gay gắt.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cũng nhận định, điều vô lý này ở Quảng Bình có thì chắc chắn ở địa phương khác cũng có.

Nêu giải pháp để khắc phục tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đề nghị: Đối với những sở đa ngành, khi bổ nhiệm lãnh đạo cấp Giám đốc Sở, người làm Giám đốc không chỉ bao quát chung mà còn phải có chuyên môn sâu về 1 lĩnh vực cụ thể thuộc Sở phụ trách và anh ta phải phụ trách 1 lĩnh vực mà anh ta có chuyên môn sâu. Như vậy sẽ bớt được 1 Phó Giám đốc phụ trách. Ví dụ: Khi sáp nhập thành Sở Văn Hóa – Thông Tin- Thể Thao - Du lịch, Sở này sẽ có 1 Giám đốc và 4 Phó Giám đốc tương ứng 4 mảng chuyên môn, tuy nhiên nếu Giám đốc Sở phụ trách 1 mảng rồi thì chỉ cần 3 Phó Giám đốc cho các mảng còn lại.

“Càng tinh giản thì chúng ta càng thấy rõ bất cập hiện tại. Tinh giản bộ máy không chỉ là giảm biên chế, mà phải sắp xếp lại cán bộ để mỗi cơ quan nhà nước có nhiều người làm việc hơn, bớt người chỉ đạo đi để tập trung số biên chế cho công việc”-Ông Nguyễn Văn Kỳ kết luận.

Về việc sáp nhập các sở, ban, ngành cấp tỉnh tại Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn. Có sáp nhập mới đảm bảo bộ máy tinh gọn và giảm chi phí cho nhà nước. Tỉnh Quảng Bình đang chờ Nghị định Chính phủ để thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài. (Ảnh: Hoàng Thái).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Quảng Bình đã tiến hành sáp nhập hoặc giải thể những đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xã hội hóa. Các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện hoặc nếu chưa đủ điều kiện 100% nhưng có thể cổ phần hóa được, tỉnh này cho chuyển sang Cổ phần hóa hoặc cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư để chuyển sang làm dịch vụ công.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, tỉnh Quảng Bình đang trong lộ trình xóa một số đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện sáp nhập 3, 4 thậm chí nhiều hơn để đảm bảo tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ lãnh đạo. “Phải như vậy mới có hiệu quả. Chúng tôi đang quyết tâm, quyết liệt để triển khai ngay từ năm 2018 đến 2020 và dự kiến tinh giản bộ máy ở huyện lên đến cấp tỉnh, gồm cả bộ máy chính quyền và khối Đảng, đoàn thể”-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nói./.

Tác giả: Hoàng Thái

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP