Nông dân trắng tay
Xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, chiều 17/10. Nước lũ cơ bản đã rút nhưng nhiều hộ dân ở xóm Hương Giang vẫn đang bị cô lập. Dọc các con đường, ngõ xóm nhiều đoạn vẫn còn sền sệt bùn đất. Đâu đó, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn cố nhặt nhạnh những quyển sách, quyển vở còn sót lại đem ra phơi khô, tìm lấy con chữ.
Người dân Hương Khê đang phải gồng mình chống chọi cơn lũ dữ
Thất thần ngồi trước mớ đồ đạc ướt sũng, ông Đình Biểu (83 tuổi), xóm Hương Giang, nhớ lại trận lũ kinh hoàng đêm 14/10: “Nước lũ lên nhanh quá, tôi chỉ kịp ôm bì gạo 2kg chạy. Cũng may nhà ở gần ủy ban xã nên tôi mới thoát chết. Đứng trên tầng 2 nhìn xuống thấy tài sản trong nhà bị dòng nước cuốn trôi, ngôi nhà chìm dần mà bất lực”.
Lũ lụt khiến gia đình ông Biểu đã nghèo nay còn xác xơ hơn
Người dân Hương Khê đang phải gồng mình chống chọi cơn lũ dữ
Người dân Hương Khê đang phải gồng mình chống chọi cơn lũ dữ
Bi đát hơn là gia đình bà Phan Thị Yên, cùng xóm. Bà Yên có 5 tạ lúa dành dụm từ vụ xuân để ăn dần chờ đến mùa sau nhưng nay bị nước lũ nhấn chìm, nảy mầm, mốc meo. Ngoài lúa, toàn bộ đàn gà hơn 30 con từ 1kg trở lên chưa kịp bán cũng chết sạch, nồi niêu xoong chảo, quần áo đều trôi ra sông, ra biển hết.
Sau 2 ngày ngâm nước lúa của bà Yên nảy mầm, mốc meo
Bên kia xóm Hưng Bình, chị Nguyễn Thị Hạnh ngao ngán thở dài: “Trôi sạch rồi cô ạ, từ cái tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quần áo, sách vở của các con đến gần 1 tấn lúa vừa thu hoạch, đàn gà gần 200 con vừa đi ấp về… Hà bá nuốt hết cả”.
Theo chị Hạnh, sau hai ngày ngâm lũ, chiều 16/10 nước rút, nhà của chị nhìn như một bãi chiến trường, bùn phủ dày mấy chục cm. Giếng, bể nước đều bị ngập, rác rưởi chất đầy.
Sách vở học sinh còn sót lại sau lũ
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch xã Lộc Yên cho hay, đến chiều 17/10 trên địa bàn vẫn còn 2 xóm Hương Yên và Trường Sơn bị cô lập. Xã đang cố gắng tiếp tế lương thực giúp người dân cầm cự qua cơn lũ. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay là thiếu nước sinh hoạt.
Cần hơn 1.540 tấn giống khôi phục sản xuất
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thống kê mới nhất đến ngày 17/10, lũ lụt đã làm 6 người chết, 1 người mất tích; 108 xã, phường với hơn 30.000 hộ dân bị ngập, có nơi ngập sâu 2 – 3m.
Lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại 774ha lúa mùa; 2.241ha hoa màu; 470ha cây ăn quả; gần 2.100 con gia súc, 157.000 con gia cầm bị chết; 1.118ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Nhiều cơ sở hạ tầng, tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế… bị sạt lở, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước trên 696 tỷ đồng.
“Vấn đề đáng ngại nhất sau lũ là khôi phục sản xuất, vì hầu hết khu vực bị chia cắt tập trung ở vùng có diện tích trồng trọt, chăn nuôi lớn”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công trình hồ chứa nước Kẻ Gỗ
Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, cho biết, dù đã quen sống chung với lũ nhưng năm nay thủy điện Hố Hô xả nước quá nhanh với lưu lượng lớn nên người dân không kịp trở tay. Gia đình chị có 1 con bò, 2 con lợn và mấy chục con gà bị lũ cuốn trôi; ngoài ra, gần 5 tạ lúa để trong hộc cũng không kịp đưa lên chạn nhà đã ngâm nước hơn 2 ngày nay.
Trên cơ sở tổng hợp thiệt hại bước đầu, để giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, trước mắt tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ hỗ trợ 1.500 tấn lúa giống; 30 tấn ngô giống và 10 tấn giống rau các loại để khôi phục sản xuất. Hỗ trợ 50.000 lít hóa chất để xử lý tiêu độc khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm sau lũ.
Về lâu dài, Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí tiếp tục thực hiện dự án xây nhà vượt lũ cho các xã vùng lũ và vùng ngoài đê huyện Đức Thọ; bố trí vốn khởi công dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ; dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ, giai đoạn 2; xây dựng công trình cảng cá Cửa Khẩu, thị xã Kỳ Anh…
Không để người dân nào thiếu đói!
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong chuyến thị sát vùng lũ xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), ngày 17/10.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tế mì tôm cho người dân xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê
Mặc dù từ trưa ngày 16 đến 17/10 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không còn mưa nhưng do nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn tiếp tục xả nên lũ tại khu vực hạ lưu huyện Hương Khê, Vũ Quang xuống rất chậm.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã đến động viên người dân, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Sau khi kiểm tra khu vực đập chính công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Vũ Quang), đoàn công tác đến xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê – khu vực hiện đang ngập sâu từ 1 – 3m, động viên người dân vượt qua cơn “đại hồng thủy”.
Tại đây, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao chính quyền huyện, xã trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong những ngày mưa lũ vừa qua.
“Mặc dù bà con phải cư trú giữa biển nước nhưng điều đáng mừng là không có ai bị bệnh tật hay thiếu đói. Từ nay đến khi nước rút, chính quyền các cấp phải đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên số 1; tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào thiếu đói, bệnh tật, đau ốm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
So với tối 15/10, hiện tại nước lũ tại Phương Mỹ đã rút xuống thêm khoảng 1m. Tuy nhiên, toàn xã vẫn đang còn 230/262 hộ dân bị ngập sâu và chia cắt.
THANH NGA – TÂM ĐAN