Cẩm Xuyên

Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh): Giám đốc bị tố lộng quyền, trù dập người tố cáo

Qua vài năm hoạt động, một số thành viên và người tham gia góp vốn vào Quỹ đã làm đơn tố cáo, cho rằng Giám đốc “lộng quyền”, tự ý đưa nhân sự là con cháu vào giữ các chức vụ chủ chốt của Quỹ; trù dập, sa thải những người phản đối việc làm sai trái của lãnh đạo.

Trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình

Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình (gọi tắt là Quỹ) (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được thành lập vào ngày 26/3/2013, theo quyết định số 201/QĐ – NHNN – HTI1 của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là một tổ chức tín dụng hợp tác, hoạt động, thực hiện theo mục tiêu góp vốn, cho vay, tương trợ giữa các thành viên nhằm phát huy sức mạnh của từng người, tập thể giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống.

“Ăn nên làm ra” lại khai trừ thành viên?

Khi mới thành lập, vốn điều lệ của Quỹ là 1,02 tỷ đồng. Tháng 3/2013, tại Đại hội thành viên nhiệm kỳ 2013-2015 của Quỹ các thành viên tham gia góp vốn đã bỏ phiếu bầu ông Trần Hữu Quý đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Quỹ.

Sau thời gian hoạt động, Quỹ phát triển tốt. Từ chỗ chỉ hơn 200 cổ đông đến đầu năm 2016, tổng nguồn vốn của Quỹ đạt hơn 22 tỷ đồng. Nhưng xáo trộn bắt đầu từ năm 2015.

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, bà Lê Thị Tình (SN 1961, ngụ thôn Đông Vinh) cho rằng Giám đốc Quý lộng quyền trong nhiều hoạt động. Sau khi cách chức một số vị trí trong HĐQT, ông Quý đã tự ý đưa con gái mới học hết THCS vào làm thủ quỹ. Một số thành viên trong Quỹ lên tiếng phản đối, góp ý xây dựng thì bị vùi dập.

Bà Tình là người góp vốn điều lệ nhiều nhất lúc Quỹ mới thành lập (500 triệu đồng, chiếm gần 50% vốn thành lập quỹ) nay đã bị khai trừ khỏi thành viên, đẩy vốn góp ra tài khoản chờ. Bà Tình đã làm đơn gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Còn chị Nguyễn Thị Hương, nguyên kế toán trưởng của Quỹ nêu, khi mới đi vào hoạt động Quỹ gặp rất nhiều khó khăn do chưa lấy được lòng tin của dân. Để có tiền cho vay và trả tiền gửi cho dân, gia đình chị đã gửi vào hàng tỷ đồng để Quỹ có nguồn vốn, chi trả cho khách hàng.

“Trong sáu tháng đầu, tôi và các thành viên đi làm không lương, thậm chí bản thân còn phải bỏ tiền túi để làm việc. Khi Quỹ đi vào hoạt động chừng 2 năm, bắt đầu có lãi thì mọi quyền lợi tôi lại không được Chủ tịch HĐQT và Giám đốc chia cho, điều đó khiến chúng tôi rất bức xúc”, chị Hương nêu trong đơn tố cáo.

Chưa hết, tháng 5/2015, chị Hương đột ngột bị chuyển từ kế toán trưởng xuống làm thủ quỹ, mặc dù trước đó chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhận bằng khen. “Tháng 6/2016, do sơ suất tôi làm mất chìa khóa két sắt bảo quản tiền và tài sản của Quỹ. Ngay sau khi phát hiện sự việc, tôi đã báo cáo, làm bản tường trình đồng thời bồi thường thiệt hại bằng cách mua két mới.

Về tất cả các tài sản được cất giữ trong chiếc két đã mất chìa khóa, sau khi dùng khóa két dự phòng của Ngân hàng nhà nước để kiểm tra kết luận tất cả tiền mặt, tài sản không bị mất mát, thất thoát gì. Nhưng ông Giám đốc vẫn căn cứ vào lỗi đó, buộc tôi phải tạm nghỉ 90 ngày”, chị Hương nêu.

Không đồng tình với quyết định trên, chị Hương đã làm đơn lên cơ quan chức năng. Ngân hàng nhà nước về thanh tra, kết luận việc xử lý với chị Hương như thế là quá nặng và không công bằng với trường hợp mất chìa khóa trước (trước đó tại Quỹ cũng đã từng mất một chìa khóa nhưng chưa xác định được ai – PV).

Ông Quý và ông Đỉnh trong buổi làm việc với phóng viên

Hết thời gian bị đình chỉ, chị Hương tiếp tục đi làm lại. Nhưng chỉ mấy ngày sau, chị nhận quyết định của Giám đốc và Chủ tịch HĐQT buộc thôi việc, lý do từng làm mất chìa khóa két của quỹ.

Còn bà Nguyễn Thị Lịch, thành viên HĐQT kiêm thẩm định tại Quỹ tín dụng tố cáo, vì nhiều lần dám chất vấn ông Quý trong các cuộc họp về những việc làm sai trái nên năm 2015 bị ông Quý cho nghỉ việc thẩm định tại Quỹ.

Cũng vậy, bà Nguyễn Thị Minh, người từng giữ chức vụ Phó Giám đốc quỹ cũng bị ông Quý cho nghỉ việc vào năm 2015 vì lý do không rõ ràng.

Trong các đơn thư tố cáo còn nêu rõ việc ông Quý không tôn trọng dân chủ cơ sở, khi nhiều lần tự ý gạch tên những thành viên được để cử vào đại biểu nhiệm kỳ sắp tới.

Giám đốc Quỹ nói gì?

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã trực tiếp làm việc với ông Trần Hữu Quý, Giám đốc và ông Trần Hữu Đỉnh, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình.

Trước câu hỏi tại sao lại gây sức ép, ký quyết định cho bà Nguyễn Thị Lịch thôi việc, ông Đỉnh cho biết: “Sau thời gian hoạt động, HĐQT xét tái cơ cấu thấy bà Lịch đã nhiều tuổi, không có trình độ bằng cấp, không có khả năng đảm nhiệm công việc nên cho nghỉ việc, thay thế người có năng lực. Bởi, các hoạt động của Quỹ đều phải sử dụng máy tính mà bà Lịch lại không đáp ứng được các chuyên môn đó”. Ông Đỉnh cho biết thêm, bà Lịch chỉ thôi không giữ chức vụ thẩm định còn hiện bà vẫn là ủy viên HĐQT của Quỹ tín dụng.

Với trường hợp bà Nguyễn Thị Minh, đại diện lãnh đạo Quỹ cho rằng, bà Minh là nhân viên “không tôn trọng lãnh đạo, muốn nói gì thì nói”. Bà Minh từng vi phạm kỷ luật, cộng với việc đã nhiều tuổi nên Giám đốc ký quyết định sa thải.

Về ý kiến cho rằng lãnh đạo Quỹ tín dụng tự ý đưa con, cháu vào những vị trí chủ chốt vào trong Quỹ, ông Trần Hữu Đỉnh khẳng định: “Tháng 4/2016, thanh tra định kỳ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã về kiểm tra và có kết luận không có sự việc trên tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình”.

Khi phóng viên chỉ đích danh tên con gái ông Quý từng làm thủ quỹ Quỹ tín dụng khi chưa học hết cấp 2, ông Quý nói: “Vấn đề đó bên thanh tra đã có kết luận, tôi vi phạm đã bị xử lý hành chính”.

Ông Quý nói thêm: “Con gái tôi sau khi học xong cấp 2 đã theo học chương trình bổ túc văn hóa. Sau đó, cháu được cho đi học nghiệp vụ quỹ tín dụng đã được cấp chứng chỉ rồi mới vào làm việc. Công tác 9 tháng, cháu nó đã được chuyển sang tín dụng sau khi Ngân hàng nhà nước về kiểm tra. Lần đó, tôi cũng bị phạt hành chính (cảnh cáo) 24 tháng”.

 Một số thành viên Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình cho rằng lãnh đạo Quỹ lộng quyền.

“Đau đầu” về nhân sự

Về việc các thành viên nghi ngờ Giám đốc, Chủ tịch HĐQT cố tình kéo dài thời gian tổ chức đại hội Quỹ để đợi ông Quý hết thời gian bị kỷ luật, đại diện Quỹ cho hay, tháng 10/2016, ông Đặng Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình đã ra quyết định tạm thời dừng các bước quy trình cho đại hội.

“Việc dừng đại hội là do xã, chứ chúng tôi không cố tình trì hoãn. Sau đó, chúng tôi tiếp tục làm công văn đề nghị thường trực cho triển khai đại hội nhưng chưa được phê duyệt”, ông Quý nói.

Phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Nguyễn Huy Tiến cho biết, đã có nhiều văn bản gửi Quỹ tín dụng Cẩm Bình về các các sự việc được người dân phản ánh qua đơn thư. Ông cũng giải thích Quỹ tín dụng xã Cẩm Bình vẫn chưa tiến hành đại hội theo nhiệm kỳ do công tác nhân sự bầu đại biểu đang vướng mắc. Hiện Quỹ chưa có các danh sách chính thức về thành viên dự đại hội.
“Chúng tôi đề nghị cấp ủy chính quyền xã quan tâm hơn về vấn đề này. Quan điểm của Ngân hàng nhà nước là tiếp tục làm việc với xã để sớm ổn định tình hình”, ông Tiến nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch xã Cẩm Bình Nguyễn Thiên Toàn lại cho rằng, chính quyền chưa chấp thuận cho Quỹ tiến hành đại hội do chưa đồng tình với phương án nhân sự từ HĐQT đề xuất.

Văn bản gửi Ngân hàng nhà nước và Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng xã Cẩm Bình của UNBD xã ngày 16/2/2017 nêu rõ: “Các thành phần tham gia đều không nhất trí với nhân sự mà Quỹ tín dụng đề xuất, vì tại thời điểm hiện nay chưa thực sự phù hợp”. Còn “chưa phù hợp” như nào thì văn bản không nêu rõ. Đại diện chính quyền cũng không giải thích thêm.

Tháng 5/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã có kết luận Thanh tra hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân Cẩm Bình. Kết luận thanh tra cho thấy Quỹ đã có nhiều vi phạm về công tác quản trị điều hành, kiểm soát, như việc phân công công việc cho thủ quỹ, giải quyết quyền lợi cho thành viên HĐQT…

Tác giả: Long Trần

Nguồn tin: Báo Pháp Luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP