Kinh tế

Quảng cáo online: Rẻ mà lo

Google phải có quy trình kiểm soát chặt việc hiển thị các quảng cáo để tạo sự an tâm cho khách hàng

Việc hàng loạt doanh nghiệp (DN), trong đó có những thương hiệu toàn cầu, vừa phải tạm dừng hay xem xét lại việc quảng cáo trên YouTube cũng như những nền tảng truyền thông xã hội khác của Google có thể coi như giọt nước tràn ly. Không còn là chuyện kinh doanh đơn thuần giữa các DN cung và cầu mà giờ đây đã tới cấp độ pháp lý.

Lỗi do thuật toán?

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang làm việc với cả nhà cung cấp nền tảng quảng cáo online lớn nhất (ở đây là Google) lẫn DN lớn có quảng cáo trên nền tảng của Google. Nội dung là những vấn đề nhạy cảm và nguy hiểm liên quan tới các quảng cáo trên các video độc hại, chống phá nhà nước phát trên YouTube. Đây là điều mà không DN nào muốn xảy ra.

Loại hình quảng cáo trên internet này có nhiều dạng, đem lại nhiều lợi ích cho DN nhờ chi phí thấp, độ lan tỏa tới người dùng rất rộng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thị trường chậm lại… buộc DN phải tính toán chi phí tiếp thị hiệu quả. Nhưng quảng cáo online lại cực kỳ phức tạp và đầy nguy hiểm, nhất là với loại hình quảng cáo được bên cung cấp dịch vụ phân bổ và đặt theo thuật toán tự động. Lâu nay, DN khi quảng cáo trên nền tảng của Google, thường lâm vào 2 tình trạng "dở khóc dở cười" mà họ không mong muốn. Cụ thể, mẩu quảng cáo của họ bị chèn vào những trang hay video có nội dung xấu, độc hại hay trang và clip quảng cáo bị chèn những mẩu quảng cáo xấu, độc hại của bên thứ ba. Đa số đều hiểu rằng muôn sự là do cái thuật toán tự động dù hàm lượng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng cao của Google. Thuật toán này sẽ tùy tình hình mà phát lệnh chèn quảng cáo vào nội dung nào. Vấn đề ở đây là thuật toán được phát triển cho toàn cầu chứ không phải chỉ riêng Việt Nam nên đôi khi không phù hợp với cách nhìn, quy định của nước sở tại.

Vì vậy, DN ở Việt Nam cần phải xem xét lại toàn bộ các dự án quảng cáo online của mình, đặc biệt là với các nền tảng Google. Hà cớ gì đã tốn tiền mà còn để bị lệ thuộc và trở thành "con tin" của cái gọi là "thuật toán"?!

Google là bên cung cấp nền tảng chạy quảng cáo không thể đổ thừa là do thuật toán vì suy cho cùng, thuật toán cũng là các dòng lệnh do con người lập ra. Google sao lại bắt ép khách hàng quảng cáo ở Việt Nam phải hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Google phải "nhập gia tùy tục"; phải có quy trình để kiểm soát chặt việc hiển thị các quảng cáo của khách hàng, bảo đảm tuân thủ cao nhất có thể các quy định của nước sở tại để tạo sự an tâm cho DN.

Các nhãn hàng có quảng cáo trong những clip xấu, độc trên YouTube. (Ảnh: Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử)

"Ăn theo" các clip xấu, độc

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, gần đây, qua rà soát cho thấy tình trạng tái diễn các quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của DN được gắn trong các video có nội dung xấu, độc, phản động, phát trên mạng xã hội YouTube qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đáng chú ý, dòng tiền quảng cáo này lại được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu, độc, phản động, vô hình trung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu DN. Theo thống kê ban đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn đang quảng cáo gắn với các clip xấu, độc. Vì vậy, bộ yêu cầu các đơn vị này chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo của DN phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến vụ việc này, đại diện một số hãng công nghệ tại TP HCM cho biết họ có cơ chế và biện pháp kiểm tra, xử lý, gỡ bỏ quảng cáo trên các kênh vi phạm khi nhận được phản ánh. Họ cũng thường xuyên làm việc với YouTube để cập nhật danh sách các kênh bị loại trừ khi chạy quảng cáo theo bộ lọc từ khóa, đường dẫn, nội dung… để hạn chế việc xuất hiện quảng cáo trong các kênh xấu.

"Nhưng cũng có tình trạng YouTube để bị sót, quảng cáo lọt vào các kênh xấu. Ngoài ra, có thể do các đại lý, nhà bán lẻ tự chạy quảng cáo trên YouTube trong đó có gắn thông tin, hình ảnh sản phẩm của chúng tôi đi kèm với thương hiệu của họ. Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi" - đại diện một hãng công nghệ tại TP HCM thông tin.

Các DN là "nạn nhân", nên thay vì xử phạt ngay, cơ quan chức năng cần thông báo tình hình vi phạm cho DN, cho họ thời hạn để xử lý trước khi chế tài.

5 chủ thể sai phạm

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các sai phạm trên Google, YouTube đến từ 5 chủ thể tham gia hoạt động trên YouTube gồm: YouTube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng YouTube, Google; những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN). Các chủ thể này đã góp phần vào việc gia tăng clip xấu, độc trên YouTube.

Tác giả: Phạm Hồng Phước - Chánh Trung

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP