Kinh tế

Quản lý thuế thương mại điện tử: Lỗ hổng chính sách còn rất lớn

Thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng nhanh trong mấy năm qua nhưng sự đóng góp cho ngân sách nhà nước vẫn còn hạn chế.

Tăng trưởng nhanh

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2017, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng trên 25%. Tốc độ này dự báo có thể tiếp tục duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy, doanh thu tăng trưởng 35%.

Với lĩnh vực thanh toán, theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 - 200%. Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.

Thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong mấy năm gần đây (Ảnh minh họa: KT)

“Mức tăng trưởng nhanh này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn”, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định.

Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy các loại hình kinh doanh trực tuyến mới, đồng thời, phát sinh nhiều thử thách liên quan tới cạnh tranh lành mạnh hay bảo vệ người tiêu dùng.

Đại diện doanh nghiệp (DN) cung cấp các dịch vụ hạ tầng về logistics, ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Thương mại điện tử và Logistics, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết: “Không chỉ các nhà bán lẻ mà các DN sản xuất cũng đang bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Số lượng các đơn hàng thương mại điện tử tăng rất mạnh, ước tính khoảng 60%/năm”.

Cũng theo thống kê của VNPost, doanh thu bán lẻ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử những năm gần đây chiếm 3,4 - 3,7% so với tổng giá trị bán lẻ hàng hóa chứng tỏ tốc độ bán lẻ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử ngày càng tăng.

Lỗ hổng quản lý thuế

Thương mại điện tử Việt Nam đang được coi là “mỏ vàng” ở Đông Nam Á khi có mức tăng trưởng “thần kỳ” trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự đóng góp nghĩa vụ của ngành này cho ngân sách lại là một “vùng tối” pháp lý với rất nhiều khó khăn, cả về phía cơ quan thuế lẫn người kinh doanh thương mại điện tử.

Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, hiện nay hệ thống mã ngành áp cho các hoạt động kinh doanh vẫn chưa quy định cho thương mại điện tử nên cơ quan thuế rất khó xác định nghĩa vụ thuế của các cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh trực tuyến.

"Lỗ hổng" chính sách trong quản lý thuế thương mại điện tử còn lớn (Ảnh minh họa: KT)

Bà Mai cho biết, hiện tại Việt Nam vẫn đang sử dụng hoá đơn giấy là chủ yếu (chiếm 91,8%) nên khó khăn trong việc quản lý. Một số DN tuy đã đăng ký kê khai dùng hóa đơn điện tử nhưng số này vẫn rất ít và hệ thống hóa đơn điện tử của DN cũng chưa kết nối với cơ quan thuế. Bởi vậy nên rất khó để xác định doanh thu chính xác từ các hoạt động kinh doanh này.

Cùng với đó là sự phức tạp của hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trực tuyến; nhiều giao dịch nhỏ lẻ bằng tiền mặt. Đặc biệt là khó khăn trong quản lý thu thuế nhà thầu và các giao dịch xuyên biên giới dẫn tới việc không thể truy thu và xác định được thuế chính xác.

Bên cạnh đó, bà Mạnh Thị Tuyết Mai cũng cho biết, hiện nay việc cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp còn vướng mắc vì một số loại hình thương mại điện tử chưa có trong danh sách các loại hình được phép kinh doanh. Vì thế, cơ quan thuế chưa xác định được hình thức thu thuế phù hợp.

Bà Mai cho rằng, cần sửa đổi một số quy định của các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế… hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế.

Còn theo ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, việc thiết kế khung pháp lý phải có sự tham gia của các bộ, ngành chứ không chỉ một bộ, ngành.

“Việt Nam cần nghiên cứu những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác cung cấp dịch vụ theo mô hình này trên nguyên tắc chung là nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

Để lấp “lỗ hổng” chính sách quản lý thuế đối với thương mại điện tử, trước mắt, cơ quan thuế sẽ phối hợp các nhà mạng và công ty vận chuyển để đưa người kinh doanh online vào diện quản lý thuế. Còn về lâu dài, Tổng cục Thuế đang được giao chủ trì Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ dành hẳn một chương quản lý thuế cho giao dịch thương mại điện tử, với các quy định bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các mô hình thu thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với phương thức giao dịch này./.

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP