Dự án đầu tư

"Quả đắng" mang tên Vạn Lợi và câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Từ thực tiễn của dự án thép Vạn Lợi (tỉnh Hà Tĩnh) cho thấy: Sự thành công của các đại dự án sẽ là một “điểm son” trong báo cáo thành tích của các địa phương, cơ quan, ban ngành, nhưng khi một dự án lớn đổ bể gây ra hậu quả nghiêm trọng, hầu như không ai đứng ra nhận trách nhiệm.

>> Bài 4: Dự án Gang thép Vạn Lợi chây ì ; chính quyền chỉ “giơ cao đánh khẽ”


>> Bài 3: Nhà máy Gang thép Vạn Lợi “đắp chiếu”, hàng loạt ngân hàng ngồi trên lửa


>> Bài 2: Nhà máy Gang thép Vạn Lợi “đẻ” con nhưng không “dưỡng”

>>Nhà máy Gang thép Vạn Lợi… “hại” dân Hà Tĩnh

Đến thời điểm hiện nay, có thể nói dự án thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) khó có thể gượng dậy, nếu như không có một “phép màu” nào đó (có thể hiểu là một đại gia có tiềm lực cực mạnh đứng ra mua lại và tiếp tục triển khai dự án).


Hậu quả này đã được dự báo, cảnh báo cách đây nhiều năm, và các nhà đầu tư đã tỏ ra bất lực, chỉ cố hứa hão để trấn an dư luận. Nếu dự án này đổ bể hậu quả của nó sẽ hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại rất to lớn về kinh tế, và gây ra nhiều hậu quả về xã hội, nhân lực, môi trường đầu tư. Các ngân hàng ở Hà Tĩnh có nguy cơ mất trắng nhiều trăm tỉ đồng. Cho đến cuối năm 2010, các Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh) đã giải ngân cho Cty GTHT hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, VDB Hà Tĩnh gần 700 tỷ đồng, Vietcombank Hà Tĩnh 72 tỷ đồng…Những con số đó nay đã chuyển thành “nợ xấu”, vẫn phát sinh lãi nhưng là lãi “ảo”, và có nguy cơ cả gốc lẫn lãi sẽ biến thành “hư ảo”!Trước sự việc hết sức nghiêm trọng này, đã đến lúc cần nhìn lại một cách có hệ thống về dự án, nhận rõ trách nhiệm của các bên liên quan, từ đó xác định hướng giải quyết cũng như bài học kinh nghiệm.Về phía cơ quan chức năng của Hà Tĩnh, cần xem xét có hay không sự thông thoáng quá mức trong việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư cũng như tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục, đất đai…Có hay không chính quyền quá tin tưởng vào quy mô hoành tráng của dự án, vào cái “bánh vẽ” tương lai sán lạn của dự án do nhà đầu tư “vẽ” ra. Trước khi thông qua các thủ tục hồ sơ, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh liệu đã có những thông tin cần thiết, đầy đủ về các cổ đông (nhà đầu tư) như Vạn Lợi, Hợp Thành? Nhất là về năng lực tài chính, năng lực quản trị, uy tín kinh doanh…?Khuyến khích, “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư không có nghĩa là dễ dãi, thiếu thận trọng trong việc chấp thuận đầu tư. Bởi vì thà ít nhà đầu tư có thực lực, hiệu quả còn hơn nhiều nhà đầu tư không có thực lực nhưng chỉ giỏi khâu PR. Đây là một bài học nhãn tiền nhưng không phải địa phương nào cũng có độ tỉnh táo cần thiết.Đến khi dự án đã có dấu hiệu đổ bể, thay vì xử lí theo qui định của pháp luật, Hà Tĩnh lại tỏ ra quá ưu ái, thậm chí “lạc quan tếu”. Đầu năm 2012, trả lời PV báo Tiền phong, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói: “Giám đốc Cty GTHT đang đi nước ngoài, tuần sau về sẽ triển khai, không có vấn đề gì đâu”(!?).


Cận cảnh Nhà máy Gang thép Vạn Lợi hơn một năm sau lời khẳng định của ông Chủ tịch tỉnhThế nhưng hơn một năm sau lời nói chắc như đinh đóng cột của ông Chủ tịch dự án nghìn tỉ này vẫn nằm áng binh bất động. Theo qui định của Luật Đầu tư, “Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư” (Điều 64). Thế nhưng dự án thép Vạn Lợi đã ngừng triển khai từ hơn 3 năm, nhưng cho đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa rút Giấy phép đầu tư của dự án này cũng như thu hồi đất, mà chỉ “doạ lên doạ xuống”.Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội hồi phục là chủ trương đúng, nhưng nếu quá dễ dãi, lần lữa thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu, và nhiều hậu quả khác.Về phía các ngân hàng, qua sự việc này vẫn là bài học muôn thuở về thẩm định dự án, thẩm định tài sản thế chấp, thẩm định độ an toàn, hiệu quả của dự án để quyết định cho vay hay không cũng như mức cho vay. “Đồng tiền liền khúc ruột”, các ngân hàng phải tự bảo vệ mình, không nên mạo hiểm với những dự án phiêu lưu. Đến khi kéo nhau ra toà, hầu hết tiền chỉ còn nằm trên giấy, với những con số ảo. Thực tiễn cho thấy, trong môi trường, cơ chế hiện nay, hoạt động của ngân hàng cũng như các doanh nghiệp luôn bị chế tài bởi những điều “luật bất thành văn”. Đây chính là nguyên nhân gây ra những quyết định đầu tư trái với qui luật khách quan của kinh tế thị trường, có độ an toàn thấp. Đến lúc đổ vỡ thì không thấy bóng dáng “cơ chế” đâu cả, chỉ có doanh nghiệp giơ đầu chịu báng.Đã đến lúc Hà Tĩnh cần có quyết định về số phận của dự án thép Vạn Lợi, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, xử lí nghiêm theo qui định của pháp luật. Hi vọng từ “quả đắng” này, Hà Tĩnh sẽ sáng suốt hơn trong việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế.

Trao đổi với PV Tamnhin, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQLKKT Vũng Áng cho biết: “Do có dư luận nghi ngờ về con số hơn 1000 tỷ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra cho dự án này, cho nên, trong cuộc họp diễn ra ngày 15/6/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cho công ty thuê kiểm toán độc lập để đánh giá và xác định giá trị thực mà họ đã bỏ ra cho dự án. Trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp vào Vạn Lợi tìm hiểu để đầu tư nhưng sau đó lại bỏ đi. Giờ kiểm toán lại sẽ biết giá trị thực tế thì sẽ rao bán cổ đông. Công việc này dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 4 tháng tới”
Hà Vy – Hà Vũ

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP