Nó mãi mãi khắc ghi những huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc hào hùng của lớp lớp TNXP trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước…
Chiếc cầu một thời “ngày đêm bom dội”
Nhà thơ Phạm Tiến Duật được gọi là nhà thơ lính Trường Sơn. Nhưng cái duyên thơ của Phạm Tiến Duật không chỉ bén rễ ở Trường Sơn mà còn gieo vào tâm hồn nhân dân Hà Tĩnh từ chuyện “Cô gái Thạch Kim” nói đùa là “Thạch nhọn” và đến cả bài thơ “Qua cầu Tùng Cốc” nữa. Một chiếc cầu bình dị dài chỉ 14m, bắc qua con suối nhỏ nhưng ngày đêm đã cõng không biết bao nhiêu xe, chở bao nhiêu lực lượng bộ đội, vũ khí, lương thực ra tiền tuyến lớn. “Tùng Cốc, Tùng Cốc, Tùng Cốc. Qua cầu này rồi ta lên dốc. Phía trước là Ngã ba Đồng Lộc…”.
45 năm trôi qua, tình cờ khi trở lại làng Sơn Thủy (Hương Sơn) ghé thăm cựu TNXP Phạm Thị Xanh, tôi được biết, chị có 1 năm làm việc ở Tùng Cốc. Chị đưa cuốn sổ tay đã ố vàng cho tôi xem. Bên cạnh những dòng lưu bút của bạn bè, chị dành nhiều trang để chép thơ, chép bài hát. Rồi chị hát cho tôi nghe bài “Qua cầu Tùng Cốc”.
Anh Phố – chồng chị cũng hát theo. Anh chị nên duyên bắt đầu cái thuở gặp nhau bên “Chiếc cầu ngày đêm bom dội. Vẫn vững vàng đứng trên lửa khói ” ấy. Rồi chị Xanh kể cho tôi nghe những ngày gian khổ và ác liệt nhất của Đại đội 557–N55–P18 làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cung đường từ Đồng Lộc đến cầu Đôi (những điểm quan trọng của đường 15A là cầu Đôi, cầu Máng, cầu Tùng Cốc, cầu Tối, cống Khiêm Ích). Đó là thời điểm năm 1968 – Ngã ba Đồng Lộc trở thành “chảo lửa, túi bom”. Đại đội 557 lúc đó có 143 người, 61 nam và 82 nữ với 213 ngày đêm bám trụ để nối liền huyết mạch cho xe tới tiền phương. Nhiệm vụ của đơn vị là san lấp hố bom, cứu xe hàng, rà phá bom từ trường và các loại bom chưa nổ ở các đoạn đường.
“Hồi nớ, đêm đến, trước khi ném bom, chúng tung pháo sáng rực trời với mục tiêu là phải đánh sập cho được cầu Tùng Cốc và cầu Tối. Thế nhưng, cả đại đội TNXP chúng tôi vẫn coi cái chết nhẹ như lông hồng. Bây giờ nghĩ lại không hiểu sao bom lại “chừa” mình ra mới lạ. Hai lần thoát chết khi đang xúc đất, chèn đá ở cầu Tùng Cốc thì bom nổ. Nhóm đằng trước có người bom chặt mất mông, nhóm đằng sau có người bom cắt mất cổ…”.
Nói tới đây, chị Xanh bỗng bật khóc rưng rức. Giọt nước mắt chị đã giúp tôi hiểu thêm máu bao nhiêu anh hùng liệt sĩ tô đậm chân cầu Tùng Cốc. Cầu dài chỉ mươi sải tay nhưng rất phức tạp, cực nhất là những lúc trời đổ mưa to, gặp phải ngầm sâu, nước đục lại rất nhiều đá lởm chởm. Cứ lội xuống ngầm là đỉa xanh, đỉa vàng đua nhau lại. Nhưng bom đạn đã không sợ thì sợ gì mấy con vắt, con đỉa. Lúc đó, anh em ăn không thấy no, làm việc không thấy mệt. Chuyện gánh đất, gánh đá, chặt lá, san đất, đầm nền được phân công nhau từng tốp liên hoàn hết ngày sang đêm. Tất cả cho những chuyến xe thông đường ra trận, tất cả vì miền Nam ruột thịt…
Những cái chết hóa thành bất tử
Không biết bao nhiêu lần chị Nguyễn Thị Lân – nguyên Đại đội trưởng Đại đội 557 đã kể lại cho con cháu, các nhà báo, các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc về sự hy sinh anh dũng của Bí thư Chi bộ Võ Triều Chung.
Anh Võ Triều Chung quê ở xã Phúc Lộc (Can Lộc). Hồi gia nhập đại đội TNXP ở đơn vị chị, anh Chung 27 tuổi. Anh ra đi để lại người vợ tảo tần cày cấy ruộng đồng nuôi 3 đứa con thơ dại với một mái tranh nghèo. Anh Chung người đen gầy nhưng tác phong nhanh nhẹn và hoạt bát, việc gì đơn vị phân công đều làm đến nơi đến chốn. Là một bí thư chi bộ trực tiếp lãnh đạo A công binh, bao giờ anh cũng tạo được dấu ấn về những việc mình làm, những điều mình nghĩ. Thời điểm năm 1968, giặc Mỹ liên tục huy động đủ các loại máy bay và xả xuống cống ngầm cầu Tùng Cốc hàng trăm quả bom, trong đó có những loại bom có sức công phá và sát thương cực lớn như bom từ trường.
Vào một đêm cuối tháng 8, một tin điện khẩn của Ban đảm bảo giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tối nay, có một đoàn xe công tác làm nhiệm vụ đặc biệt đi vào Nam, nên đơn vị phải khẩn trương làm tốt việc thông xe cầu Tùng Cốc. Chị Nguyễn Thị Lân nói: “Giải quyết được vấn đề này là bài toán khó, bởi mấy ngày hôm đó mưa rất to, nước ngầm dâng cao. Vùng ngầm Tùng Cốc bom chồng trên bom, để chống được lún lầy giữa đêm tối thực sự nguy hiểm”. Thế nhưng, tại cuộc họp chi bộ, trái tim của nhiều đảng viên đều hừng hực cháy. Ai cũng tha thiết được đi rà phá bom nhưng Bí thư Chi bộ Võ Triều Chung nói: “Các đồng chí ạ, tôi đã có 3 con, tôi đi rà phá bom, nếu có mệnh hệ gì, tôi đã có đứa chống gậy, còn các đồng chí: Bổn, Tuấn, Bảo chưa có vợ thì thiệt thòi lắm. Do vậy, việc này các đồng chí cứ để tôi đi”.
Ngầm nước nơi anh Võ Triều Chung hy sinh.
Thế là Võ Triều Chung lên đường trong tiếng nấc sụt sùi của đồng đội, bởi họ biết: khó tránh được những hiểm họa khôn lường trước hành động quả cảm này. Hội ý tổ công binh xong, anh Bổn cùng anh Chung ra cống ngầm Cầu Tùng Cốc. Lúc này, máy bay của giặc Mỹ lại tiếp tục gầm rú và dội xuống những trận mưa bom. Tiếng đạn pháo cao xạ 57 của Trung đoàn 210 đã bắn trả quyết liệt.
Dưới chân cầu Tùng Cốc, tổ công binh của đồng chí Bổn đã lần lượt thao tác kỹ thuật, phá hủy từng quả bom từ trường. Khi thấy những quả bom nằm la liệt đã tháo nổ, anh Chung nói với Bổn: “Thế là bom từ trường ở đây đã nổ hết. Tối nay, ta có thể thông xe theo kế hoạch được”. Cẩn thận xem lại hiện trường, Chung và Bổn lội qua ngầm Tùng Cốc phía bờ Bắc kiểm tra lại một lần nữa. Khi 2 anh vừa lội ra giữa dòng và đang cắm cọc tiêu vào chỗ có hố bom sâu hun hút thì bất ngờ có một quả bom bên cạnh nổ tung. Anh Chung và anh Bổn hy sinh tại chỗ.
Đồng đội nhận được tin, vội vã lội xuống ngầm tìm xác 2 anh nhưng tìm mãi cũng chỉ nhặt được ít mẩu xương thịt bỏ vào túi nilon mà cổ họng nghẹn đắng… Cũng như 2 liệt sỹ Lê Đăng Dương và Võ Xuân Tài đã hóa thân vào chiếc cầu Tối cách đó không xa, hồn các anh đã hóa vào cây, vào cỏ, hóa thành lời nguyền sông núi, cho bầu trời quê hương xanh mãi.
Trở lại cầu Tùng Cốc
Tôi tìm đến cầu Tùng Cốc, trong một chiều hè oi ả nắng gắt. Lặng lẽ, thâm trầm như một đồng đội tìm lại miền ký ức sâu thẳm của mình. Cầu xưa đã được xây lại thành chiếc cầu mới nhưng hình hài vẫn giản dị và khiêm tốn như xưa. Nước dưới chân cầu vẫn thăm thẳm chảy. Điều kỳ lạ, trên mặt nước kia lại mọc dày từng đám hoa súng ngời ngời trên những đám rêu. Những bông súng đỏ au, tươi rói như biểu tượng một thời chiến thắng, như kết tinh giọt máu hồng của những người đã ngã xuống nơi này. Men theo 2 bờ ngầm cầu là những vạt cỏ non xanh và từng con trâu đen, bò vàng đang nhởn nhơ gặm cỏ…
Tôi lững thững bách bộ qua cầu Tùng Cốc trong náo nức xe cộ ngược xuôi. Những khóm tre, khóm chuối xanh tốt dọc bờ suối ngầm. Bờ Bắc, bờ Nam cầu Tùng Cốc bây giờ đã san sát nhà cửa, không ít những ngôi nhà to, đẹp mọc lên còn thơm nồng mùi vôi vữa. Các dịch vụ thương mại mở ra nhộn nhịp. Bên kia cầu Tùng Cốc, thay vào những ụ pháo cao xạ phòng không trực chiến thuở xưa là cột phát sóng vi-na sừng sững vươn lên trời cao. Miên man trong cảm giác, tôi chợt nhớ một thi sĩ viết rằng: “Khi đại bác gầm thì họa mi im tiếng hót”. Cái thời chiến tranh ác liệt ở cầu Tùng Cốc, ai nghe được tiếng họa mi. Chỉ có hôm nay trong không khí ngập tràn tinh thần xây dựng NTM, tôi mới nghe rất rõ tiếng họa mi lảnh lót trong veo từ trên vòm cây cao vọng xuống.
Anh Võ Đức Lợi – Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc cho biết: xóm Tùng Liên – địa phận của cầu Tùng Cốc hiện có 180 gia đình. Hơn 50 gia đình là cán bộ công chức, bộ đội đã nghỉ hưu. Còn 130 gia đình sản xuất nông nghiệp và làm nghề buôn bán nhỏ. Làng Tùng Liên chưa ai giàu có lắm, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện nay đã giảm nhiều. Tuy đất đai nông nghiệp chỉ có hơn 35 ha, nhưng mấy năm gần đây, nhờ xã Đồng Lộc đẩy mạnh cuộc cách mạng giao thông và thủy lợi nội đồng, xây dựng hệ thống kênh mương cứng bê tông nên đã biến vùng đất khô hạn ở Tùng Liên thành những cánh đồng xanh mát mắt của lúa, ngô, đậu, lạc. Nhiều chủ hộ nông dân mỗi mùa vụ thu hoạch từ 2-3 tấn thóc, phát triển mô hình chăn nuôi mới, nuôi bò, nuôi hươu. Nhiều hộ kinh doanh buôn bán tốt, mỗi năm thu lãi từ 150-200 triệu đồng…
Rời cầu Tùng Cốc trong chạng vạng, tôi vẫn nghe như đâu đây tiếng hát, tiếng cười vang động cây rừng của các anh, các chị mở đường năm nao. Máu đào của lớp lớp TNXP đổ xuống cầu Tùng Cốc, cầu Đôi, cầu Máng… đã xây nên nhịp cầu bền vững cho đời sau.
Tháng 7/2013
Phan Thế Cải
Báo Hà Tĩnh