Cuộc sống

Phụ nữ mang thai sốt xuất huyết, chớ chủ quan

Hiện đang là tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), số lượng bệnh nhân đến khám tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai không ngừng tăng lên liên tục.

Điều trị cho thai phụ bị sốt xuất huyết

Trong đó, phụ nữ có thai mắc SXH chiếm khoảng 15-20% trong tổng số bệnh nhân SXH tại khoa.

20% bệnh nhân điều trị là phụ nữ có thai

TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, trung bình, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân SXH trên tổng số gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số đó, 15-20% là phụ nữ có thai.

Mới đây, khoa Khoa truyền nhiễm đã kết hợp cùng khoa Sản điều trị thành công, đảm bảo an toàn cho 2 sản phụ mắc SXH, đó là một sản phụ 37 tuần và một sản phụ thai 39 tuần. Sản phụ thai 37 tuần bị sốt cao, đã đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra SXH. Khi bệnh nhân đến khoa trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, tiểu cầu xuống thấp. Bệnh nhân đã được vào phòng cấp cứu, theo dõi đặc biệt. Trong quá trình bệnh nhân chuyển dạ, các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng các bác sỹ của khoa Sản và khoa Huyết học liên tục truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân. Kết quả là một bé gái 2,8kg đã ra đời an toàn và sau đó người mẹ được trở về khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị.

Đến ngày 3/8, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đã trở về mức an toàn và được xuất viện trong buổi chiều cùng ngày. Một bệnh nhân khác cũng mang thai 39 tuần sống trong vùng dịch tễ có SXH, nhập viện trong ngày sốt thứ 3. Sau 3 ngày theo dõi tại khoa, bệnh nhân đã chuyển dạ sinh con an toàn.

Cần theo dõi sát

“Diễn biến SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường, chúng tôi khuyên phụ nữ có thai mắc SXH nên nhập viện điều trị. Bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, than... cũng như tình trạng của thai nhi hàng ngày để xem có dấu hiệu: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không. Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi”, TS Cường nhấn mạnh.

Theo đó, điều trị các bệnh phối hợp nói chung và SXH nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó tiên lượng - cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức... để kịp thời xử trí khi có biến chứng xảy ra.

TS. Cường cũng khuyến cáo các bà bầu không nên quá lo lắng. Trên thực tế, các em bé được sinh ra từ những bà mẹ mắc SXH đều không bị ảnh hưởng gì. Trong vụ dịch năm 2015, khoa Truyền nhiễm đã điều trị SXH thành công cho khoảng 100 bà bầu, họ đề sinh con khỏe mạnh “mẹ tròn con vuông".

Các chuyên gia chia sẻ phụ nữ đang mang thai cần cố gắng phòng tránh mắc bệnh SXH, để làm được điều đó nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh. Nên tích cực tham gia và vận động mọi người cùng tham gia vệ sinh môi trường ở nơi mình đang sinh sống để góp phần phòng tránh SXH cho bà bầu.

Tác giả: HUYỀN ANH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP