![]() |
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc - Ảnh: NHƯ Ý |
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết đây là nội dung mà Chính phủ đã họp và đưa ra nhiều giải pháp.
Bởi với mức tăng trưởng 7,09% năm 2024 đã rất cao, song vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác hết.
Tin tưởng tăng trưởng không chỉ đạt 8% mà còn vượt qua hơn
Thực tế năm 2024, Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn như thiên tai, tình hình bất ổn của thế giới, còn trong nước, đầu tư công giải ngân chậm. Vì thế, ông Phớc cho rằng nếu giải quyết được những vấn đề này sẽ còn dư địa để phát huy và thúc đẩy tăng trưởng đạt trên 8%.
Trong đó yếu tố về đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, những năm gần đây tăng liên tục. Năm 2025, đầu tư công bố trí tăng lên so với năm 2024 khoảng 108.000 tỉ đồng, cộng với vượt thu ngân sách khoảng 331.000 tỉ đồng.
Như vậy, sau khi trích cho phần cải cách tiền lương, còn khoảng hơn 158.000 tỉ để bổ sung vào đầu tư của năm 2025, tức xấp xỉ gần 900.000 tỉ đồng. Đây là động lực thúc đẩy, kéo các nguồn đầu tư khác để tạo động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, Phó thủ tướng đề cập đến giải pháp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu hoàn thành thêm 1.000km đường cao tốc trong năm nay, để đến 2030 đạt 5.000km đường cao tốc.
Về đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỉ USD dự kiến nối xuống tận tỉnh Cà Mau; thúc đẩy tuyến đường sắt từ TP.HCM xuống Cần Thơ để kết nối với các cảng; và 3 tuyến đường sắt phía Bắc kết nối với Trung Quốc… Đây được xem là những yếu tố kỳ vọng thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng GDP.
Về xuất khẩu, ông Phớc cho rằng vừa phải giữ thị trường cũ như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, đồng thời phải mở rộng thị trường mới để thúc đẩy sản xuất, đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường các nước.
Với hệ thống giải pháp đề ra, Phó thủ tướng tin tưởng mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn nữa. Và để đạt mục tiêu này, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng dựa vào công nghệ và chuyển đổi số, cũng là điều được Phó thủ tướng nhắc đến.
Lo chính sách của ông Trump và tiêu dùng giảm
Tuy vậy, nêu băn khoăn về việc thực hiện mục tiêu 8%, đại biểu đoàn Cần Thơ Nguyễn Mạnh Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - chỉ ra bối cảnh chính sách mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đang có tác động rất lớn đến thương mại thế giới, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ.
Vì vậy, ông Hùng cho rằng để đạt được mục tiêu 8%, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, quan tâm đến yếu tố tiêu dùng nội địa, ông cho rằng hiện vẫn đang khó khăn.
Một trong những lý do là việc sắp xếp bộ máy nhân sự công sở đang tiến hành có thể làm cho hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng về việc làm, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần đưa tiền vào nền kinh tế nhiều hơn, giá cả hàng hóa tăng lên nhưng thu nhập không tăng, có thể ảnh hưởng tiêu dùng.
Vì thế, ông cho rằng cần có hỗ trợ những người thôi việc ở khu vực công, cần cân nhắc về việc chính sách thuế khi đang có xu hướng điều chỉnh tăng nhiều hơn là giảm thuế, đặc biệt là những người bán hàng online, bán hàng xuất khẩu...
Đồng thời, cần có giải pháp lớn mạnh hơn khơi thông thị trường bất động sản giúp người dân tiếp cận được dự án nhà giá rẻ, bình dân, địa phương cũng tăng thu nhiều hơn.
Thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ để giải quyết được bài toán lâu nay chất lượng tăng trưởng chưa cao, những chỉ số quan trọng như năng suất lao động, các nhân tố tăng trưởng khác để người lao động có kỹ năng làm việc với tay nghề cao hơn...
Ngoài ra, ông Hùng cũng khuyến nghị cần làm sớm hơn việc bỏ chỉ tiêu phân bổ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Việc phân bổ hiện nay nhằm giúp ngân hàng thương mại chủ động cho vay, nhưng việc này gây ra bất lợi lớn cho hệ thống ngân hàng khi cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Vì vậy, ông cho rằng với nguồn lực hiện nay, xử lý ngân hàng yếu kém, thì việc bỏ room tín dụng là cần thiết.
Tác giả: Ngọc An
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ