Trong nước

Phát ngôn cuối cùng năm 2013 của Bộ trưởng Y tế

Sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức – Bộ trưởng Y tế giao lưu trực tuyến trên báo Tuổi Trẻ chiều 31/12.


Rèn y đức mình ngành Y không làm được

“Bộ trưởng đã có những giải pháp cụ thể̉ gì để có thể ngăn chặn những câu chuyện tương tự xảy ra trong tương lai nhằm lấy lại niềm tin từ người dân?” – bạn đọc Nguyễn Thiện Hưng đặt câu hỏi.

bộ trưởng y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, y đức, Cát Tường
Bộ trưởng Y tế trả lời trực tuyến chiều 31/12. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đúng là trong thời gian qua có một số chuyện buồn, làm ảnh hướng đến hình ảnh người thầy thuốc, “nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt”.

Bà khẳng định toàn ngành hiện nay có khoảng 400 ngàn cán bộ y tế, đa số đều tận tâm chăm sóc người bệnh, nhưng cũng có một bộ phận nhỏ không thực hiện đúng 12 điều y đức.

Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, Bộ trưởng cho biết đã và đang triển khai nhiều nội dung song bà cũng lưu ý nhân cách con người được hình thành, nuôi dưỡng, phát triển và chịu ảnh hưởng của gia đình, trường học và toàn xã hội.

“Việc giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc là việc làm thường xuyên của ngành. Tuy nhiên, sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức”, Bộ trưởng nói.

Chính vì vậy, bà mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng và xã hội cùng chung tay với ngành y tế nâng cao đạo đức nghề nghiệp

Hết sức đau lòng

“Mỗi lần đăng đàn trả lời báo chí, từ “chúng tôi” luôn được nhấn mạnh có thể hiện hết trách nhiệm cá nhân chưa với vai trò là người đứng đầu ngành y tế?” – bạn đọc Phan Văn Vinh đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Kim Tiến cho biết trong thời gian qua có xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. “Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp trong ngành y đều hết sức đau lòng trước những sự cố gây tử vong bất luận vì nguyên nhân gì”.

Theo Bộ trưởng, luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, trách nhiệm của chính quyền các cấp, Sở Y tế các tỉnh, thành, các bộ, ngành.

Luật cũng chỉ rõ nhiệm vụ của Bộ Y tế là quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Còn các vụ việc xảy ra ở cơ sở nào, trách nhiệm trước hết thuộc về bản thân cán bộ y tế gây ra sự cố, tiếp đến là người đứng đầu cơ sở y tế đó, cơ quan quản lý y tế ở địa phương (Sở Y tế), chính quyền địa phương.

“Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động y tế, nếu thiếu các văn bản hướng dẫn kiểm tra, giám sát”.

Không đưa phong bì mà đưa tiền nhét vào túi

Trả lời về 3 giải pháp đột phá được lựa chọn để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu nhằm tiến tới “Lương y như từ mẫu” của bạn đọc Hoàng Minh Tân, Bộ trưởng nêu: Giải pháp truyền thông, giáo dục học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Tăng cường vai trò của người đứng đầu đơn vị và giải pháp xây dựng chính sách tiền công và mức thưởng xứng đáng cho người thầy thuốc tận tình với người bệnh.

“Kết hợp với những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài, với 3 khâu đột phá được Chính phủ, các bộ, ngành chấp thuận, tôi hy vọng trong phạm vi 3 năm sẽ giải quyết cơ bản được vấn đề bức xúc về tiêu cực và gây nhũng nhiễu cho người bệnh ở các bệnh viện, với điều kiện các đơn vị, địa phương phải quyết liệt đối với những hành vi tiêu cực của người thầy thuốc”, Bộ trưởng trả lời.

Bạn đọc Phan Anh nêu câu hỏi về giải pháp cụ thể và dể mang lại hiệu quả nhất, dễ thực thi nhất để chống lại nạn phong bì trong ngành. Bộ trưởng cho biết từ ngày mai (1/1/2014), nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực, nếu phát hiện sai phạm, nhận phong bì sẽ phạt 30 triệu đồng.

Người đưa cũng có thể bị xử phạt vì nếu không có người đưa thì cũng không có người nhận, nên các bệnh nhân cũng cần thực hiện tốt nguyên tắc này.

“Chuyện cán bộ y tế nhận phong bì từ tay bệnh nhân là không được phép. Nhưng ở đâu đó, do quá tải, do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng, nên người nhà bệnh nhân mong muốn được khá trước, được khám kỹ hơn thì bệnh nhân có đưa tiền. Theo chúng tôi quan sát thì không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi. Nhưng là điều dưỡng, người thay băng” – bà nói.

Theo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP