Theo đó, Gia đình ông Đặng Văn Hoàng (trú tại khu phố 4, thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trong quá trình cải tạo đất vườn nhà đã tình cờ phát hiện chiếc giếng cổ, nằm cách đền Đền Cẩm Bào (hay còn gọi Đền Bà) khoảng 100m về phía đông.
Chiếc Giếng cổ vừa được phát hiện nói trên còn nguyên vẹn, có cấu trúc hình vuông, chiều dài mỗi cạnh có kích thước 1,1m, chiều sâu của giếng khoảng 2-3m. Thành giếng phía trên khoảng 2m được ghép các phiến đá hộc to dày có màu đen xám, xung quanh thành và đáy giếng được kè lát các tấm phiến gỗ bằng gỗ Sến dày chắc chắn.
Ông Đặng Văn Tư (SN 1929, trú tại thị trấn Cẩm Xuyên), nhà ở cạnh giếng cổ cho biết, từ khi sinh ra lớn lên đã thấy chiếc giếng cổ này và điều đặc biệt là nguồn nước dưới đáy giếng giữ mức bình thường, không cao quá và cũng không xuống thấp. Tuy mực nước không sâu, người dùng nhiều và dù có hạn hán thì nước giếng cũng không cạn. Nước giếng thường được dân làng lấy để rửa các đồ thờ cúng tại đền Cẩm Bào gần đó.
Trước đó các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện các giếng cổ Chăm Pa trên địa bàn các xã ven biển thuộc huyện Kỳ Anh, Nghi xuân và Cẩm Xuyên…
Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đây là một trong số giếng cổ mang đậm kỹ thuật xây cất giếng cổ của người Chăm Pa, mà phía Nam Hà Tĩnh từ thời Lý, Trần (thế kỷ X-XIV) là địa bàn giao thoa của nền văn hóa Chăm Pa và Đại Việt.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một hệ thống giếng cổ mang yếu tố kỹ thuật Chăm Pa ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên… hy vọng thời gian tới các nhà nghiên cứu khảo cổ và văn hóa sẽ có các chuyên đề nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về hệ thống các giếng cổ này nhằm góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản về những dấu tích Chăm Pa trên vùng đất Hà Tĩnh.
Cảnh Huệ