Những giếng cổ trên được phát hiện tại làng Gia Phú (thôn 2), làng Cát Thủy (thôn 5), làng Chợ Ang (thôn 7) thuộc xã Xuân Viên, cách di chỉ khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi khoảng 1.700m theo hướng đông bắc.
Cấu trúc giếng hình vuông, được ghép đá từ trên xuống dưới. Phần đáy thu nhỏ và kè gỗ 4 phía, đáy giếng lát bằng ván gỗ. Giếng làng Gia Phú có thành giếng 1.15m x 1.15m, sâu 2 m, mực nước ổn định 1.20m; giếng làng Cát Thủy, thành giếng 1.20m x 1.20m, sâu 2.80m, mực nước ổn định 1.70 m; giếng làng Chợ Ang, thành giếng 1.30m x 1.30m, sâu 2m, mực nước ổn định 1.50m.
Cụ bà Phan Thị Luận, 85 tuổi, sống tại làng Cát Thủy cho biết, giếng làng Cát Thủy và các giếng vuông ở trong vùng đã có từ lâu đời, nước ngọt, quanh năm luôn trong xanh, dù hạn hán đến đâu vẫn không bao giờ cạn và là nơi linh thiêng, luôn được người dân trong vùng truyền đời coi trọng.
Theo truyền thống xây dựng giếng của các cư dân cổ xưa thì giếng vuông được phát hiện ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân có kỹ thuật ghép, nguyên liệu đá ghép, phương thức dùng ván gỗ kè ghép đáy giếng mang đậm kỹ thuật làm giếng của cư dân Chăm Pa Cổ.
Cùng với hệ thống giếng vuông mang rõ đặc trưng của nền văn hóa Chăm Pa được phát hiện tại huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà thì giếng cổ được phát hiện tại làng Gia Phú, Cát Thủy, Chợ Ang, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân đã cung cấp thêm nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu về hệ thống giếng Chăm Pa cổ ở Hà Tĩnh cũng như mối liên quan đến khu di chỉ khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi, nơi được các nhà nghiên cứu phối hợp tổ chức khai quật và phần lớn hiện vật được tìm thấy đều mang rõ đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh – khởi nguồn của nền văn hóa Chăm Pa sau này.
Bách Khoa
baohatinh