Theo các chuyên gia, khi thế giới còn mất cân bằng về độ phủ vaccine, virus vẫn còn nhiều cơ hội để biến đổi (Ảnh minh họa: Reuters). |
Báo Le Telegramme của Pháp ngày 13/11 đưa tin, biến chủng SARS-CoV-2 mới có tên gọi khoa học là B.1.X hay B.1.640. Các chuyên gia ở Pháp đã đưa ra cảnh báo đầu tiên về biến chủng này sau khi nó được phát hiện đã lây nhiễm cho 24 người tại một trường học ở khu vực Brittany hồi tháng trước.
Trường học này sau đó đã phải đóng cửa một nửa số lớp học. Mặc dù tình hình đã được kiểm soát và Pháp không phát hiện thêm ca nhiễm biến chủng này kể từ ngày 26/10, nhưng giới chức y tế ở đây cho biết vẫn đang theo dõi chặt chẽ biến chủng B.1.640.
Tiếp đó, các ca nhiễm biến chủng B.1.640 cũng được phát hiện ở Anh, Thụy Sĩ, Scotland và Italy mặc dù Delta vẫn là biến chủng trội ở các nước này.
Giáo sư Cyrille Cohen của Đại học Bar-Ilan (Pháp) cho biết, B.1.640 chứa một số đột biến chưa từng ghi nhận trước đó. Điều đáng chú ý là, gai protein cho phép virus bám vào tế bào người và lây nhiễm đã bị loại một số thành phần so với chủng gốc. Tuy nhiên, các nhà chưa thể xác định được liệu thay đổi này có khiến virus tăng hay giảm khả năng lây lan hay không.
Biến chủng B.1.640 được cho là có nguồn gốc từ châu Phi. Nếu vậy, nó một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về khả năng biến đổi của virus khi thế giới vẫn còn mất cân bằng nguồn cung vaccine. "Nếu một cộng đồng nào trên thế giới còn chưa được tiếp cận với vaccine thì virus sẽ còn tiếp tục biến đổi, tạo ra nhiều biến chủng hơn", giáo sư Cohen nói.
Trong khi hầu hết các nước đã phủ vaccine phần lớn dân số, tính đến cuối tháng 10, chỉ khoảng 6% dân số châu Phi được tiêm chủng vaccine Covid-19. Việc cung cấp vaccine cho các nước châu Phi hiện vẫn gặp nhiều trở ngại, trong đó chủ yếu là lý do hậu cần do hạ tầng y tế ở đây còn yếu kém.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân Trí