Ông Khoa cho hay: Đạo sắc niên hiệu Chính Hòa năm thứ 9 làm bằng loại giấy màu hơi vàng nhạt có kích thước dài 1,29m, rộng 0,56m, gồm 11 dòng chữ Hán. Nội dung đạo sắc phong cho ông Nguyễn Công Ban chức Gia Hanh đại phu, Đô Tổng binh sứ Cao Bằng.
Sắc phong niên hiệu Chính Hòa năm thứ 13 có giấy màu vàng đậm hơn, kích thước chiều dài 1,28m, rộng 0,57m, gồm 13 dòng chữ Hán. Đạo sắc này cũng phong cho ông Nguyễn Công Ban lúc bấy giờ đang giữ chức Đồng ty, Tổng binh ty Đô Tổng binh lên chức Cẩn sự lang, Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn.
Ông Khoa cho biết thêm hai đạo sắc còn nguyên nội dung và đều là sắc phong chức cho nhân vật lịch sử thuộc dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu (làng Trường Lưu, xã Trường Lộc), có niên hiệu Chính Hòa năm thứ 9 (1688) và Chính Hòa năm thứ 13 (1692), triều vua Lê Hy Tông. Đó là những đạo sắc ghi khá rõ về công lao, vai trò cụ thể của một nhân vật được vua Lê trọng dụng.
Đây là một trong những tài liệu thuộc dạng văn tự cổ cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu, một dòng họ hiếu học, văn hóa và cách mạng cũng như lịch sử hình thành, phát triển của làng Trường Lưu cổ.
Hiện 2 đạo sắc trên do dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu bảo quản.
Trí Thức
vnn