Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội facebook xuất hiện hình ảnh bức tượng được ai đó hóa trang rồi đưa lên để câu like, làm trò cười.
Theo hình ảnh được ghi nhận, bức tượng được hóa trang nằm trong một quần thể gồm nhiều bức tượng khác nhau, xung quanh có nhiều du khách tham quan, chụp hình lưu niệm.
Bức tượng bị du khách hóa trang phản cảm. |
Bức tượng này có thể do một vị khách hóa trang khi dùng mũ bảo hiểm đội lên đầu tượng, đeo kính đen, đeo khẩu trang và đeo balo cho tượng. Khi đưa lên facebook, nhiều người đã lên án và liên tưởng đến hình ảnh của nhóm ăn mày mặt đen.
Qua xác minh của PV báo Người Đưa Tin, căn cứ vào hình ảnh, đã xác định được địa điểm này. Đây là khu vực quần thể tượng thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Đại diện ban quản lý khu di tích này cho hay, đã nắm được thông tin việc này: “Trong những ngày qua, tại khu di tích đã diễn ra lễ hội kỷ niệm 434 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vì vậy, hàng vạn du khách từ các tỉnh thành đã về để thắp hương tưởng nhớ và tham dự lễ hội.
Trong lễ hội, có thể có những du khách là thanh niên trẻ tuổi đã có hành vi phản cảm khi hóa trang những bức tượng trong quần thể tượng, coi như là việc đùa cợt, giải trí. Điều đó làm mấy đi sự uy nghiêm của khu di tích, đó là hành vi đáng lên án”.
Mọi người cần có thái độ đúng mực với di tích và các công trình văn hóa. |
Vẫn theo ban quản lý khu di tích, sau sự việc ban đã cho rà soát, nhắc nhở các du khách, nhất là du khách trẻ tuổi đến di tích tham quan nên có cử chỉ đúng mực, không làm biến dạng, hoặc có hành vi phản cảm đối với các bức tượng, phải tôn trọng di tích gắn liền với các giá trị lịch sử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, thường được tôn xưng là Tuyết Giang phu tử.
Học vấn uyên thâm nhưng sinh phải thời đại nhiều biến cố, ông không vội tham gia khoa cử. Mãi đến năm 1535, dưới thời Mạc Thái Tông thịnh trị nhất triều Mạc, ông mới ứng thí và đỗ trạng nguyên.
Tân khoa trạng nguyên được bổ nhiệm làm Đông các hiệu thử, rồi lần lượt giữ chức Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ lại kiêm Đông các Đại học sĩ.
Khi Mạc Hiển Tông lên ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng vua không chấp nhận. Năm 1542, ông xin về quê.
Hai năm sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan, phong tước Trình Tuyền Hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Vì thế, người đời thường gọi ông là Trạng trình.
Sau này, dù không ở kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn lo liệu việc triều chính, giúp vua bàn quốc sự. Khi có chuyện trọng đại, vua thường hỏi ý kiến ông.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được triều đình đương thời trọng dụng bởi tầm nhìn chính trị rộng. Sử sách cũng như người đời thừa nhận, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, nhà tiên tri số một Việt Nam.
Năm 2019, cùng với kỷ niệm 434 ngày mất của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, lễ hội này vừa được bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tác giả: Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Người đưa tin