Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tuần từ 15-6 đến 21-6, số ôtô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu tăng mạnh trở lại sau một tuần giảm.
Cụ thể, trong tuần có hơn 1.400 chiếc đăng ký, tổng trị giá đạt gần 30 triệu USD trong khi tuần trước đó chỉ có 162 chiếc với tổng trị giá hơn 6,4 triệu USD. Như vậy, tuần này lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tăng hơn 1.200 chiếc so với tuần trước, bình quân mỗi ngày có hơn 200 chiếc xe về Việt Nam.
Đáng chú ý, lượng ôtô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu Việt Nam có tới hơn 96% xe từ Thái Lan.
Ôtô nguyên chiếc các loại được sản xuất tại Thái Lan. Ảnh minh họa |
Ôtô được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tuần chủ yếu gồm xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Tiếp theo là xe tải và ôtô loại khác (xe chuyên dụng).
Cụ thể, có 557 ôtô dưới 9 chỗ được đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá đạt 10,6 triệu USD, chiếm 38,9% lượng ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu. Trong đó, chủ yếu là xe xuất xứ từ Thái Lan với 542 chiếc, chiếm 97%.
Kế đến, hải quan ghi nhận có tới 857 ôtô bán tải, với trị giá 3,37 triệu USD được làm thủ tục nhập khẩu. Trong đó, xe có xuất xứ từ Thái Lan là 836 chiếc (chiếm 97%). Tính từ đầu năm 2018, đây là tuần mà lượng ôtô bán tải đăng ký nhập khẩu đạt ở mức cao.
Danh mục xe bán tải nhập về Việt Nam chủ yếu là dòng bán tải từ Thái Lan của các thương hiệu Ford Ranger, Nissan Navara, Mitsubishi Triton...
Riêng thông tin xe Trung Quốc về Việt Nam làm "nóng" thị trường vài tháng trước đã mất hút 2 tuần liên tục gần đây. Diễn biến này trái ngược với kỳ vọng trước đây của nhiều người rằng ôtô cao cấp Trung Quốc với vẻ đẹp long lanh, giá rẻ sẽ sớm lấp chỗ trống xe nhập ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tính đến hết ngày 21-6, thị trường ôtô nhập vẫn không có thông tin xe Indonesia, Đức, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với các dòng xe như Audi, Lexus, Ford Explorer, Toyota Land Cruiser, Fortuner sẽ tiếp tục khan hiếm và người có nhu cầu mua xe sẽ phải tiếp tục chờ dù đã bỏ tiền đặt xe.
Tác giả: Tr.Nguyễn
Nguồn tin: Báo Người lao động