Xe

Ô tô Trung Quốc cài "đường lưỡi bò" phi pháp vào Việt Nam bằng cách nào?

Các mẫu xe Trung Quốc bị phát hiện có cài "đường lưỡi bò" phi pháp đều sử dụng hệ điều hành nội địa hoặc website toàn cầu nhưng được chuyển sang tiếng Trung.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện, xử lý sai phạm dựa vào việc khởi động các phần mềm, ứng dụng trên xe. Việc phát hiện và xử lý các mẫu xe vi phạm trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số mẫu xe Trung Quốc hiện sử dụng song song hai hoặc nhiều phần mềm, khi nhập vào Việt Nam khó bị phát hiện hơn.

Trong khi đó, một số sản phẩm như điện thoại, máy chơi game, máy chạy thể dục, thiết bị nhà bếp ở dạng nguyên seal, fullbox, cơ quan chức năng chủ yếu dựa vào cam kết của chủ doanh nghiệp nhập khẩu, hậu kiểm hoặc người tiêu dùng phát hiện.

Trung Quốc cài cắm cả "đường lưỡi bò" phi pháp vào xe siêu trường, siêu trọng nhập vào Việt Nam (Ảnh minh họa mẫu xe Sitrak có đường lưỡi bò phi pháp nhập vào Việt Nam bị phát hiện)


Theo đại diện của Tổng cục Hải quan, việc các sản phẩm, hàng hóa, phương tiện có gắn bản đồ định vị, chỉ dẫn địa lý ở các website tiếng Trung ngày càng gia tăng. Nguyên nhân bởi các sản phẩm có sử dụng hệ điều hành do Trung Quốc phát triển và đã được giới chức nước này cài cắm.

Năm 2019, hàng loạt mẫu xe nhập vào Việt Nam diện tạm nhập tái xuất như Volkswagen, Hangten bị phát hiện có đường lưỡi bò, ngay sau đó giới chức Việt Nam đã xử phạt doanh nghiệp, tịch thu phương tiện vi phạm quyền, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 2020, một số mẫu xe điện từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng tái phát hiện tượng cài cắm đường lưỡi bò phi pháp. Đến tháng 3/2021, hai doanh nghiệp tại Hà Nội đã bị Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện có cài cắm đường lưỡi bò phi pháp. Hai chiếc xe này bị tịch thu ngay lập tức và doanh nghiệp bị phạt 15 triệu đồng.

Điều đáng nói, theo Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan, các trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, xe ô tô từ Trung Quốc đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin khai báo. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, hầu hết các hợp đồng của doanh nghiệp vi phạm đều không có thỏa thuận về việc cấm sử dụng hình ảnh vi phạm về chủ quyền.

Thực tế, việc cài cắm đường lưỡi bò vào Việt Nam trong các mẫu xe bán thương mại ở Việt Nam đều bị phát hiện và không dễ đưa ra thị trường. Các xe bị phát hiện, thu giữ đều được nhập khẩu diện tạm nhập tái xuất để mục đích trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Các mẫu xe thương mại hiện nay chịu sự quản lý, giám sát khá nghiêm ngặt của Cục Đăng Kiểm - Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Chính vì vậy, việc hãng xe bán thương mại, xe lăn bánh trên đường Việt Nam có bản đồ đường lưỡi bò là khó xảy ra.

Tuy nhiên, theo đại diện của Tổng cục Hải quan, các sản phẩm thiết bị điện tử như máy tính xách tay, điện thoại, sử dụng hệ điều hành ''Made in China" có thể là đối tượng dễ bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng để phát tán đường lưỡi bò ở Việt Nam hoặc nhiều nước khác nhau. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp ký cam kết hoặc bị hậu kiểm bởi cơ quan chức năng là điều cần thiết để ngăn chặn các vụ tuyên truyền chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Việt Nam.

Mỗi năm Việt Nam nhập hàng chục tỷ USD sản phẩm, linh kiện thiết bị điện tử từ Trung Quốc, trong đó có một số sản phẩm sử dụng hệ điều hành của Trung Quốc như máy lau nhà, máy rửa bát, máy chơi game... Đây là những sản phẩm dễ bị lợi dụng để gắn đường lưỡi bò phi pháp.

Năm 2020, Việt Nam cũng nhập hơn 7.400 mẫu xe nguyên chiếc từ Trung Quốc, trong đó nhiều loại xe tải, chuyên dụng, xe con và đặc biệt có nhiều mẫu xe điện mini chạy trong các khu vui chơi cũng được nhập về nhiều hơn. Chính vì vậy, theo cơ quan hải quan, quản lý và giám sát nội dung trong phần mềm của các mẫu xe này cực kỳ quan trọng để tránh xảy ra các hiện tượng đường lưỡi bò cài cắm phi pháp.

Trước đó, hãng xe Thụy điển sản xuất, lắp ráp ở Trung Quốc tạm nhập và tái xuất vào Việt Nam bị phát hiện dùng bản đồ đường lưỡi bò bị phát hiện, tịch thu (Ảnh minh họa bản đồ sai phạm)


Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - cho rằng: Việc kiểm soát các nội dung sản phẩm về đường lưỡi bò hiện nay là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan đăng kiểm phương tiện và hải quan. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nguyên seal, fullbox ở Việt Nam như điện thoại, cơ quan chức năng phải phụ thuộc vào cam kết của doanh nghiệp, hậu kiểm và người sử dụng để phát hiện, xử lý.

Cơ quan hải quan hiện nay đã làm khá tốt phần việc của mình là chặn đứng và tịch thu các sản phẩm có đường lưỡi bò phi pháp ở Việt Nam, tuy nhiên có thể thời gian tới có nhiều hình thức tinh vi hơn, táo tợn hơn được Trung Quốc đưa vào Việt Nam. Chính vì vậy, cần có cơ chế, cơ quan chuyên trách để thường trực giám sát, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi nói trên.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP