Khẩn trương hỗ trợ đền bù

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) là địa phương có 95% người dân sinh sống bằng nghề biển, vì vậy, ngay khi thực hiện việc kê khai, xác định thiệt hại để chi trả bồi thường theo Quyết định 1880 QĐ/TTg (QĐ 1880) ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp; đối thoại với ngư dân để thống nhất phương án hỗ trợ; công khai danh sách đối tượng nhận đền bù, hỗ trợ và đầu tháng 12-2016, ngư dân xã Bảo Ninh đã nhận được tiền bồi thường thiệt hại.

Anh Trần Đình Thủy, chủ tàu cá xa bờ cho biết: Sau đợt một tỉnh hỗ trợ, đền bù cho ngư dân, chúng tôi đều tham gia giám sát công tác chi trả của địa phương và tất cả các đối tượng đều nhận đúng, đủ. Riêng gia đình tôi nhận được số tiền gần 200 triệu đồng, tôi đã đầu tư mua sắm thêm ngư cụ phục vụ cho đánh bắt xa bờ.

Không riêng xã Bảo Ninh mà nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng vào cuộc để việc chi trả tiền bồi thường đúng quy định. Đồng thời, các địa phương đã nhanh chóng thực hiện chi trả trực tiếp theo tinh thần khẩn trương, tạo điều kiện tối đa để những người bị thiệt hại được bồi thường.

Cùng với ba địa phương ở miền trung, tính đến ngày 14-3, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ 1.082 tỷ đồng, chi trả cho các đối tượng được 978 tỷ đồng, đạt hơn 98% số kinh phí tạm cấp đợt 1. Với lợi thế của cảng Cửa Sót và truyền thống đánh bắt của ngư dân, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) được coi là trung tâm khai thác, chế biến hải sản lớn nhất Hà Tĩnh và đây cũng là địa phương có nhiều đối tượng bị tác động do sự cố môi trường biển vừa qua. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn, huyện đã trình hội đồng cấp tỉnh thẩm tra, phê duyệt giá trị thiệt hại của 7/7 xã, với tổng kinh phí đề nghị phê duyệt hơn 183 tỷ đồng cho 6.382 đối tượng. Đến thời điểm hiện nay, địa phương đã thực hiện chi trả cho 5.705 đối tượng, với tổng số tiền hơn 154 tỷ đồng. Đối với việc kiểm tra, rà soát, kê khai bổ sung đợt 2, tính đến ngày 12-3-2017, các thôn xóm trên địa bàn đã trình 11.110 đối tượng đề nghị thẩm định và các xã đã thẩm định được 5.106 đối tượng. Riêng cấp huyện mới thẩm định được 263 đối tượng…

Dứt điểm công tác đền bù trong tháng 6

Trong quá trình thực hiện kê khai, bồi thường thiệt hại vẫn có nhiều vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ chi trả. Đơn cử như tại Quảng Bình, có nhiều đối tượng thiệt hại không có đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh thiệt hại, như: cơ sở nuôi trồng thủy sản khi có thủy sản chết không khai báo với chính quyền địa phương; chủ tàu cá khi chuyển nhượng, cải hoán tàu không báo chính quyền địa phương; lao động không có hợp đồng…, nên gặp khó khăn trong việc kê khai, phê duyệt đối tượng thiệt hại.

Theo tìm hiểu, hiện nay việc áp giá bồi thường thiệt hại hàng tồn kho ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng đang gặp khó. Kho đông lạnh Toàn Tứ ở thôn Xuân Phượng (Thạch Kim) là thí dụ điển hình. Theo phản ánh của chủ kho Trần Thị Tứ, trong số 180 tấn hải sản tồn kho, cơ sở chỉ mới nhận được tạm ứng 50% giá trị của 70 tấn hải sản không an toàn đã tiêu hủy, 110 tấn hàng không bị nhiễm độc nhưng quá hạn sử dụng, phải bán để chế biến thức ăn gia súc có giá chỉ bằng 0,7% so với giá mua vào, đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ nào…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, lượng hải sản tồn kho sau kiểm kê tăng lên nhiều so với số liệu trước đây. Việc xử lý hải sản tồn kho đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo, kiến nghị với các đoàn công tác, cơ quan chuyên môn nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể. Ngoài ra, theo ý kiến của lãnh đạo Hà Tĩnh, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ để xác định giá thu mua hàng hải sản lưu kho trước 30-8-2016. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các cơ sở kê khai theo mẫu bảng kê số 01/TNCN của Bộ Tài chính thì cơ sở kê khai tên gọi chung chung, chưa phân loại hàng cụ thể, thông tin chưa đầy đủ theo yêu cầu và giá hải sản thu mua lại cao hơn so với giá kê khai vào tháng 9-2016. Mặt khác, do văn bản hướng dẫn của T.Ư chưa quy định cụ thể rõ việc xác định thủy sản chết thế nào là hơn 70% thì được đền bù. Hiện nay do không thể cân, đong, đo đếm được, nên việc xác định chỉ bằng trực quan, thiếu căn cứ pháp lý…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, vừa bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, vừa giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh… đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra các giải pháp chỉ đạo, trong đó giải pháp xuyên suốt là tiếp tục tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện QĐ 1880 với quyết tâm cao nhất. Mới đây, trong cuộc họp sơ kết tình hình xử lý sự cố môi trường biển, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề cập các nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là tập trung thực hiện mục tiêu giải ngân tiền bồi thường, đền bù trong tháng 3, phấn đấu chậm nhất tháng 6 hoàn thành dứt điểm.

Tin rằng, với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở bốn tỉnh miền trung dần tạo được niềm tin trong nhân dân. Từ nguồn hỗ trợ kịp thời này, ngư dân các địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tính đến ngày 31-1, tại bốn tỉnh, các ngân hàng đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho 7.470 khách hàng với tổng số 1.522 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được cơ cấu lại là 110,91 tỷ đồng cho 1.790 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm lãi 897,6 tỷ đồng cho 570 khách hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước