Tin

Những vụ 'mổ nhầm' chết người của bác sĩ Việt Nam

Bác sĩ tiêm nhầm thuốc, cắt nhầm bàng quang hay khâu ruột vào tử cung… là những sai sót "động trời" khiến bệnh nhân mất mạng oan uổng.


Nhiều trường hợp gia đình cấp tốc đưa bệnh nhân tới viện để được chạy chữa kịp thời, nhưng vì một số lý do, hoặc cá nhân bác sĩ quá “xem nhẹ” bệnh tình của người bệnh dẫn tới những cái chết thương tâm.

Nghệ An: Bác sĩ tiêm nhầm thuốc, bệnh nhi chết tức tưởi


Chiều 26/1/2013, gia đình anh Lê Thanh Phong và chị Nguyễn Thị Lài (trú tại xã Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An) đã đưa cháu L.N.P.L được 6 ngày tuổi tới viện Sản – Nhi Nghệ An vì nghi cháu bị bệnh vàng da.


Tại đây, bác sĩ Trần Kiều Anh (khoa Điều trị tự nguyện) khám cho cháu. Sau khi xét nghiệm máu, chụp X-quang và kết luận cháu L bị mắc đờm, bác sĩ kê đơn cho gia đình trong đó có kê một lọ thuốc Betadine và 1 lọ Chloramphenicol.


Sau khi làm xong thủ tục và kê đơn thuốc và tiến hành hút đờm, rửa rốn cho bé, bác sĩ Anh đã tiêm cho bé một mũi Chloramphenicol rồi hẹn 3 ngày sau đưa cháu tới rửa rốn.


Khi về tới nhà thì cháu bỏ bú, quấy khóc, mặt mày tím tái và có biểu hiện khó thở. Nhanh chóng gia đình đưa cháu trở lại bệnh viện. Đến trưa ngày 27/1 thì cháu tử vong.


Nguyên nhân dẫn tới cái chết của cháu bé được các bác sĩ bệnh viện Sản – Nhi xác định do “suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu do dùng thuốc Chloramphenicol 1gx1 lọ cho trẻ 6 ngày tuổi”. Sau đó bệnh viện đã làm việc với gia đình, thừa nhận sai sót và hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân.


Quảng Ngãi: Hai trẻ song sinh cùng tử vong tại bệnh viện


Ngày 1/11/2012 chị Nguyễn Thị Nở (32 tuổi, ở thôn Hoà Tân, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được gia đình đưa tới bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để chuẩn bị cho kì sinh nở. Tại đây, bác sĩ chuẩn đoán chị mang song thai và hiện trạng sức khỏe thai nhi và sản phụ đều ổn định.

Gia đình sản phụ đưa thi thể hai con về nhà để mai táng.


Tuy nhiên, sang ngày 2/1, sau khi đổi ca làm việc, bác sĩ Lê Cao Tuấn, trưởng ca trực kiểm tra lại thì phát hiện tim thai yếu. Ngay sau đó, bác sĩ Tuấn yêu cầu đưa sản phụ đi mổ cấp cứu lấy thai.


Hai bé ra đời đều là bé trai, 1 trẻ nặng 3,5kg toàn thân phù nề, bụng căng cứng, đã chết lưu; trẻ thứ hai nặng 2,5 kg còn sống nhưng sau 30 phút hồi sức cấp cứu cũng tử vong. Ước tính, lượng nước ối trong bụng sản phụ Nở đến hơn 7 lít.


Chị Nở được gia đình đưa vào bệnh viện với thể trạng bị tức bụng và còn 3 tuần nữa mới tới ngày sinh. “Có thể hai trẻ song sinh của vợ chồng chị Nở tử vong do hội chứng truyền máu trong song thai và dị tật do đa ối”, bác sĩ Tuấn nhận định.


Chia sẻ với nỗi đau của gia đình sản phụ, đại diện bệnh viện đã khẩn trương lập hội đồng y khoa để làm rõ nguyên nhân cái chết của song thai, và có biện pháp xử lý nghiêm với kíp trực đã chuẩn đoán sai này.


Khánh Hòa: Cắt nhầm bàng quang bệnh nhi 21 tháng tuổi

Hình ảnh bé trai bị cắt nhầm bàng quang.


Sáng ngày 23/10, gia đình anh Tr. M đưa cháu Tr.A.Đ (21 tháng tuổi), trú tại phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) tới bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh được bác sĩ chẩn đoán thoát vị bẹn, chỉ định mổ.


Tới trưa ngày 25/10, các bác sĩ tại bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho cháu. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật xong, cháu bé có nhiều biểu hiện bất thường như trướng bụng, không đi tiểu được. Tình hình trở nên nguy kịch, các bác sĩ đã tiến hành chuyển cháu lên bệnh viện tỉnh để điều trị và mổ lại.


Các bác sĩ bệnh viện tỉnh thông báo, sai sót chuyên môn từ lần mổ trước làm tổn thương nặng bàng quang, ứ nước tiểu trong khoang bụng, ảnh hưởng thận…. Bác sĩ cũng cho biết ca mổ lần 2 chỉ giải quyết tình trạng nguy kịch, và phải đưa lên bệnh viện tuyến trên khi sức khỏe cho phép.


Sau đó, các bác sĩ bệnh viện Cam Ranh đã tới thăm gia đình và hịu mọi chi phí điều trị cho cháu gồm cả việc chuyển lên điều trị tại TP.HCM.


Hà Nội: Bác sĩ nhầm lẫn, sản phụ tử vong


Nạn nhân là sản phụ Trần Thị Minh Phượng (32 tuổi, trú tại Từ Liêm, Hà Nội) được gia đình chuyển tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng bị nôn ra máu sau khi sinh đôi thành công bằng phương pháp mổ vào ngày 11/6/2012. Các bác sĩ chuẩn đoán rằng chị bị xuất huyết tiêu hóa, song thực chất là chị Phượng bị đờ tử cung.


Do có sự nhầm lẫn này nên bác sĩ đã chậm trễ trong việc phẫu thuật cắt tử cung (nhằm khắc phục tình trạng băng huyết sau sinh). Hậu quả là sản phụ đã mất máu trầm trọng dẫn đến hôn mê, suy đa phủ tạng và tử vong dù đã được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai ngay sau đó để cấp cứu.


Bình Dương: Bác sĩ khâu nhầm ruột vào tử cung

Sản phụ Thủy tử vong tại bệnh viện.


Ngày 2/9, sản phụ Lê Thị Thủy (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) được gia đình chuyển vào bệnh viện Phụ sản – Nhi Bình Dương sinh mổ. Tuy nhiên, sau 1 ngày mổ chị đau bụng và bị ói. Các bác sĩ cho biết chị Thủy bị đau ở vết mổ hoặc đau dạ con và khuyên di chuyển sẽ khỏi.


Ngày 8/9, chị được xuất viện nhưng đến tối cùng ngày, chị lại đau bụng và được chuyển gấp tới bệnh viện. Đến ngày 9/9, chị được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, tuy nhiên chị Thủy đã tử vong trên đường chuyển viện.


Cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, kết quả: “Bệnh nhân có dịch thối ở thành bụng, não bình thường, tim có dịch, dạ dày không thủng, lủng ruột, ruột dính tử cung, khâu ruột vào thân tử cung, đâm từ trước ra sau 8cm ba mũi chỉ”.


Sau đó, đại diện của bệnh viện đã nhận trách nhiệm với sai sót trong kip mổ và có biện pháp xử lý đối với bác sĩ trực tiếp mổ cho bệnh nhân.


Đau chân trái, bác sĩ mổ chân phải


Chiều 12/3, theo nguồn tin của báo chí, gia đình bệnh nhân Hồ Thị Phấn (60 tuổi, ngụ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đã nộp đơn đến cơ quan công an đề nghị làm rõ trường hợp bác sĩ mổ nhầm chân của bà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.


Thông tin ban đầu, ngày 6/3, bà Phấn được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy để điều trị bệnh dị tật khớp gối chân trái. Tại đây, bác sĩ đã chỉ định mổ gối chân trái. Tuy nhiên, kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Văn Ngưu, giám đốc bệnh viện, thực hiện đã không mổ khớp gối chân trái mà mổ nhầm chân phải của bà Phấn. Đến khi tỉnh lại, bà mới biết mình bị mổ nhầm.


Sản phụ được bác sĩ “tặng” gạc trong ổ bụng


Chị Phạm Thị Phượng (32 tuổi, ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, Bình Định) bức xúc, chị vừa phải mổ lần thứ hai do sự sơ suất của các bác sĩ ở trung tâm y tế Hoài Ân.


Theo chị Phượng, ngày 19/1/2012, chị được gia đình đưa đến trung tâm y tế Hoài Ân để sinh con thứ hai. Do chị sinh khó nên các bác sĩ chỉ định mổ. Ca mổ diễn ra thành công, mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên, sau đó chị Phượng liên tục đau bụng nên gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để siêu âm. Kết quả thật bất ngờ, trong bụng chị Phượng có một cái gạc y tế.


Cho rằng các bác sĩ ở trung tâm y tế Hoài Ân đã bỏ quên gạc trong bụng mình, chị Phượng đến nơi mình sinh mổ khiếu nại. Sau nhiều lần được thuyết phục, chị Phượng đã đồng ý để cho bác sĩ mổ lần thứ hai lấy gạc y tế ra ngoài. Ca mổ thứ hai được tiến hành ngày 18/5 nhưng sau đó, chị Phượng vẫn chưa nhận được một lời động viên, xin lỗi từ phía trung tâm y tế Hoài Ân. Do mổ đi, mổ lại nên sau khi sinh gần 5 tháng, chị Phượng vẫn thường xuyên ở nhà vì sức khỏe yếu. Điều đáng nói là trường hợp của chị Phượng dường như đã bị lãnh đạo trung tâm y tế này “lãng quên”.


Quên mũi khoan trong người bệnh nhân

Vết thương ở chân em Hiếu ngày càng đau nhức, khiến việc sinh hoạt vô cùng khó khăn.


Ngày 31/1/2010, em Đinh Trọng Hiếu, học sinh lớp 12, trường THPT Quang Trung (huyện Sa Thầy, Kon Tum) được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa Kon Tum điều trị gãy chân do bị ngã xe. Theo chẩn đoán, Hiếu bị gãy kín xương đùi trái. Phương pháp điều trị là mổ kết hợp kháng sinh, giảm đau. Sau đó, bệnh viện đã tiến hành bắt nẹp vít xương đùi cho Hiếu.


Ngày 9/2/2010, Hiếu được xuất viện với lời hẹn tái khám sau 3 tuần. Theo lời dặn của bác sĩ, em đến tái khám đúng hẹn. Kết quả tái khám cho thấy vết thương ổn định. Riêng việc mổ tháo nẹp vít, ông Đinh Tiến Hóa, bố em Hiếu, cho biết: “Bác sĩ Dương, người mổ cho con tôi có dặn: Tốt nhất là sau một năm và mổ ở đâu cũng được”.


Sau đó gần 1 năm, ngày 19/7/2011, gia đình đưa em Hiếu đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để tháo nẹp vít. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, chỗ vết thương của em Hiếu vẫn chảy dịch và nổi u lên. Ngày 19/9, khi đưa em Hiếu đi chụp X quang lại, gia đình “tá hỏa” khi biết trong chân em Hiếu có một mũi khoan bị gãy nằm sâu trong xương đùi.


Đến ngày 28/10/2011, sau khi nhận được đơn khiếu nại, bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã có cuộc đối thoại với gia đình em Hiếu. Tại cuộc đối thoại này, bệnh viện Đa khoa Kon Tum thừa nhận: “Trong quá trình phẫu thuật có gãy mũi khoan”. Song cho rằng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và sức khỏe của bệnh nhân tại thời điểm phẫu thuật không cho phép kéo dài cuộc mổ nên “dự định” sẽ giải quyết khi phẫu thuật tháo phương tiện”.


Về cách giải quyết, bệnh viện Đa khoa Kon Tum chấp nhận chịu hoàn toàn chi phí cho việc phẫu thuật lấy mũi khoan gãy, nhưng với điều kiện là phải phẫu thuật tại bệnh viện.


Những sai sót về chuẩn đoán của bác sĩ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính là yếu về chuyên môn nghiệp vụ, hoặc tắc trách “thờ ơ” với bệnh nhân. Hy vọng, sau những sự cố không đáng có trên đây, các bác sĩ sẽ rút ra được kinh nghiệm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

Người Đưa Tin

  Từ khóa: Vụ , bác sĩ , Chết người , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP