Giáo dục - Đào tạo

Những tấm gương hiếu học của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Ấn tượng đầu tiên của tôi về các em là những gương mặt rất điển trai, ánh mắt toát lên vẻ thông minh ngời sáng, nhưng nụ cười lại bẽn lẽn và các em rất ít nói về mình. Đó là những nét phác họa ban đầu của tôi về chân dung 3 em học sinh vượt khó học giỏi của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Em Hoàng Phúc Khăm – học sinh lớp 11a1, em Phạm Tuấn Anh – Lớp phó học tập lớp 12a1 và em Lê Văn Thành – Ủy viên Ban chấp hành chi đoàn 12a1.

Theo lời giới thiệu của cô giáo Lê Như Thủy, chủ nhiệm lớp 11a1 và thầy giáo Nguyễn Công Anh- chủ nhiệm lớp 12a1, tôi hẹn gặp các em tại văn phòng Đoàn trường. Ấn tượng đầu tiên của tôi về các em là những gương mặt rất điển trai, ánh mắt toát lên vẻ thông minh ngời sáng, nhưng nụ cười lại bẽn lẽn và các em rất ít nói về mình. Đó là những nét phác họa ban đầu của tôi về chân dung 3 em học sinh vượt khó học giỏi của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Em Hoàng Phúc Khăm – học sinh lớp 11a1, em Phạm Tuấn Anh – Lớp phó học tập lớp 12a1 và em Lê Văn Thành –  Ủy viên Ban chấp hành chi đoàn 12a1.

Tôi đến xóm 6 xã Đức Lập vào một chiều cuối xuân, mưa bụi bay lất phất. Hỏi đường đến nhà em Khăm không khó, bởi chỉ vừa mới nhắc đến tên em thì ai cũng biết và vui vẻ chỉ đường, họ còn bảo “Khăm là tấm gương sáng cho lũ trẻ nhà chúng tôi noi theo”. Lối vào nhà em là một con đường đất, ngôi nhà nhỏ nằm nép mình sau một quả đồi, quang cảnh sân vườn rất sạch sẽ và thoáng đãng. Khăm đang đi học buổi chiều, tiếp tôi là ông bà ngoại của Khăm, cả hai ông bà năm nay đã ngoài 70 tuổi, hai mái đầu đã bạc gần hết. Tay run run rót nước mời khách, bà ngoại của Khăm kể cho tôi nghe câu chuyện về đứa cháu ngoại mà ông bà rất đỗi tự hào. Từ nhỏ, Khăm đã sống với ông bà ngoại, bố mẹ vì không hợp nhau nên li thân, mỗi người sống một nơi. Mẹ của em đi làm ăn buôn bán ở phương xa, hàng tháng gửi tiền về để ông bà nuôi cháu ăn học. Ông bà rất thương Khăm vì em thiếu thốn tình cảm gia đình, điều kiện sống và học hành của em rất khó khăn. Nhà lại ở xa trường, hàng ngày em đi học bằng một chiếc xe đạp cọc cạch, nhưng không vì thế mà em nản chí. “Cháu nó chăm học lắm cô à”- ông ngoại tiếp lời, “đêm nào nó cũng thức rất khuya để học bài, có hôm đến một giờ sáng nó cũng chưa chịu đi ngủ”. Tôi nhìn sang góc học tập của em: một chiếc bàn con, một chiếc giá sách nhỏ, sách vở trên giá không nhiều và được sắp xếp gọn gàng, trên tường là một bảng thành tích học tập đáng nể: Năm học nào em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc, Giấy khen Giải ba Tỉnh môn tiếng Anh năm học lớp 9, Giấy khen Giải ba Tỉnh môn Vật lí năm học lớp 10, và năm nay em đã đạt giải 3 trong kì thi học sinh giỏi Tỉnh môn Vật lí do thầy giáo Phan Sĩ Châu phụ trách.

Rời xã Đức Lập, tôi xuôi về Thị Trấn, qua cầu Thọ Tường sang xã Trường Sơn. Hỏi thăm nhà hai em Thành và Anh cũng rất dễ dàng. Tôi vào nhà em Lê Văn Thành trước, ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ nhỏ, ngoài cổng là một cây rơm cao. Nhìn cây rơm  tôi biết ngay được hoàn cảnh gia đình của Thành. Bố mẹ em đều là nông dân, điều kiện thu nhập của gia đình rất ít ỏi. Mẹ em tâm sự: “Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thôi cô à, thế nhưng giá cả nông sản thì rất thấp, chi phí phân bón lại cao, bố mẹ đầu tắt mặt tối cũng không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày cũng như lo cho việc học hành của con cái. Tội nghiệp cho Thành, thằng bé rất thương bố mẹ, nó rất chăm học, ngoài thời gian học ở trường, về nhà là nó lại đỡ đần cho bố mẹ bao nhiêu việc”. Đang dở câu chuyện thì Thành về, quần ống thấp ống cao, em bảo em vừa đi nhổ cỏ ruộng cho lúa về. Tôi hỏi em sao không đi học thêm buổi chiều như các bạn, em bảo điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên phương pháp học tập của em chủ yếu là tự học ở nhà, tự nâng cao kiến thức qua sách vở và tài liệu tham khảo, chỗ nào không hiểu thì đến lớp hỏi thầy hỏi bạn. Tôi hỏi em về kết quả học tập, em nở nụ cười hiền, mãi mới chỉ cho tôi xem bảng thành tích, ngoài danh hiệu học sinh tiến tiến xuất sắc của tất cả các năm thì năm nào em cũng là học sinh giỏi Tỉnh, lớp 10: Giải ba môn Toán; lớp 11: Giải nhì môn Hóa; lớp 12: Giải ba môn Hóa. Và ước mơ của em là sẽ thi đỗ vào trường Đại học mà em yêu thích: Đại học Y Hà Nội.

Tạm biệt gia đình Thành, tôi sang nhà em Phạm Tuấn Anh – cách nhà Thành không xa. Ngôi nhà nhỏ hướng ra dòng sông La, phía trước là khu vườn nhỏ trồng đủ các loại rau được vun xới rất gọn gàng và đẹp mắt. Ngoài bể nước, Anh đang rửa lá để giúp mẹ nấu bánh gai đem ra chợ bán. Bố của em bị bệnh kinh niên, thu nhập gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đôi vai bé nhỏ của mẹ. Thương mẹ vất vả, hàng ngày sau mỗi buổi đi học về, Anh lại giúp mẹ rửa lá, nấu bánh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em cũng không có điều kiện để đi học thêm nên phương pháp học tập của em chủ yếu là tự học. Các bạn trong lớp cũng rất thương em nên những hôm nào có bài toán hay, các bạn đều chia sẻ cùng với em. Với nỗ lực vượt khó như thế, năm học nào Anh cũng đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến xuất sắc, suốt 3 năm liền em đều đạt Học sinh giỏi Toán cấp Tỉnh: Lớp 10 giải ba; Lớp 11 giải nhì; Lớp 12 giải nhất. Tôi hỏi em về ước mơ của mình, Anh nói em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người nên em sẽ thi vào trường Đại học Quân Y.

Vượt khó, học giỏi và vô cùng khiêm tốn, đó là những ấn tượng đọng lại mãi trong tôi về các em. Trời đã về chiều, mưa bụi thôi không còn lất phất, mưa xoan tím rơi đầy vai áo, con đường trở về như ngắn hơn…

.Lê Ngọc Trâm

     GV THPT NTMK

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP