Gánh nặng phá sản đầu đời
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Cuộc sống gia đình cũng không có gì là quá khó khăn và tôi được ăn học tử tế. Chính vì tôi được sinh ra ở mảnh đất cha ông ngày xưa vẫn nói “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nên chẳng ai tin có thể làm giàu được trên chính mảnh đất này.
Tôi lập nghiệp ở Hà Nội bằng cách góp vốn làm ăn chung với những người gọi là “Hà Nội gốc”. Ngày tôi quyết định đi làm, mẹ ngăn cản vì sợ tôi bị lừa. Những năm tháng sau đó, mọi sự nghi ngờ của mẹ tôi đều bị đánh bại hoàn toàn bởi tôi gặp những người hợp tuổi, hợp cả ý chí và cách làm ăn. Thế nhưng ở thời buổi nền kinh tế khó khăn, chúng tôi đã không thể trụ vững và phá sản. Nợ nần chồng chất đã ảnh hưởng đến cả gia đình tôi.
Tôi kể qua một chút về quá khứ đó để các bạn có thể hình dung. Đầu năm 2014, tôi tận mắt chứng kiến, có những trải nghiệm về sự cay đắng và tủi hổ của bản thân mà có trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được. Khi tôi phá sản, tôi mất tất cả. Tôi gọi điện bạn bè không nghe máy vì sợ mượn tiền. Tôi nhắn tin qua facebook, họ “block” (khóa) dù trước đó chúng tôi rất thân thiết.
Sự thất bại của tôi khiến bố mẹ phải ly tán. Mẹ tôi đi giúp việc cho gia đình người ta để xoay tiền trả lãi giùm tôi dù bà đã rất già và là một công chức về hưu. Ám ảnh với những gì mình gây ra cộng với sự đòi nợ gắt gao của một số người thân thiết, tôi bắt xe vào Sài Gòn với hy vọng có thể xin làm công nhân bình thường và làm lại từ từ.
“Tôi vào Sài Gòn với tâm thế, nơi đây không thiếu việc để làm” |
Đường cùng do bị từ chối chỉ vì là người Hà Tĩnh
Ngày tôi đi, tôi chỉ nghĩ, Sài Gòn hoa lệ là thành phố phát triển nhất nước, cộng với tấm bằng đại học trên tay tôi chẳng khó khăn để có thể xin một công việc ổn định cuộc sống, làm lại từ đầu.
Tôi đã nhầm, một tháng ròng rã ở Sài Gòn, tôi không xin được một công việc nào dù chỉ là phục vụ bàn hoặc là phụ hồ, chưa nói đến bằng cấp. Tôi đã có thời gian rơi vào sự tuyệt vọng đến tồi tệ.
Tôi từng vượt qua vòng thi tay nghề ở một khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến vòng cuối cùng, vòng phỏng vấn, tôi được ngồi trước mặt 2 chuyên gia người Nhật và phiên dịch viên thì tôi không tin vào câu nói mà chị phiên dịch: “Cảm ơn em, công ty chị không thể nhận người có hộ khẩu Hà Tĩnh”. Tôi như chết lặng, cố gắng xin xỏ, cố gắng trình bày về việc mình thực sự ngoan ngoãn và có chí cầu tiến nhưng mọi việc đều vô ích.
Không chỉ một công ty từ chối tôi, đa phần là như thế. 10 ngày tôi ở Bình Dương và xin việc ở mọi công ty với mong muốn chỉ mong được vào làm, dù tôi chỉ là công nhân. Có lúc, tôi thậm chí còn không dám để tấm bằng đại học vào hồ sơ để lộ quê quán của mình, nhưng kết quả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh. Nhiều công ty dán sẵn bảng thông báo ở cổng bảo vệ là “không tuyển lao động Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa”. Tôi gần như sống trong tuyệt vọng, số tiền trong người nhờ bán chiếc điện thoại để vào Nam lập nghiệp cũng gần hết. Nhiều lúc tôi muốn chết quách cho xong chuyện, nhưng lại nghĩ tới bố mẹ nên phải cố gắng làm lại.
Bình Dương không xin được việc, tôi hạ quyết tâm lên Sài Gòn. Đầu tiên, tôi xin làm phục vụ bàn, nhiều người cầm hồ sơ và tỏ ra nghi ngại, sau đó là một câu từ chối khéo. Họ bảo tôi rằng, nhìn tôi tử tế nhưng đa phần dân ngoài đó đều thích đánh đập. Họ hiểu hoàn cảnh của tôi nhưng sợ nhận tôi vào sau này xảy ra chuyện dẫn đến việc làm ăn của họ đổ bể.
Tôi hiểu điều đó và cố gắng kiếm công việc tay chân như phụ hồ để tạm sống qua ngày, chờ cơ hội xin việc để có thể sống để tồn tại ở đất Sài Gòn. Một chuyện nực cười là tôi đã đến đường cùng, tôi cố gắng đi mấy công trình xin nhưng chủ thầu chỉ vừa nghe giọng nói “trọ trẹ” miền Trung của tôi, họ đã từ chối. Họ sợ tôi vào đó sẽ trộm cắp bởi vì những người đi trước để lại ấn tượng xấu cho người miền Nam là người miền Trung không tử tế.
Dòng thông báo không nhận nhân viên là người Thanh Hóa, Nghệ An tại các công ty ở Bình Dương. |
Tình người trong khó khăn
Thất vọng, buồn bã và tiền đã hết thì tôi lại vô tình nhận được sự cứu giúp của một người chị mà mình chưa quen biết.
Tôi viết bài gửi cho báo để hy vọng có tiền nhuận bút sống qua ngày, nhưng bài bị từ chối. Cực chẳng đã, tôi viết thẳng email cho người đã trao đổi về bài vở với tôi nhờ giúp đỡ. Qua vài email lý giải tình cảnh khó khăn, bất ngờ thay, chị đồng ý cho tôi mượn một số tiền để cầm cự đến ngày được nhận công việc mới. Điều đáng nói là chị chưa từng gặp mặt tôi, chỉ có trong tay một cái tên, một địa chỉ email và một số điện thoại hết sức mơ hồ. Chị nói, nghe giọng tôi là người Hà Tĩnh, chị muốn giữ lòng tin trong cuộc sống vẫn còn những người trẻ biết giữ lời hứa, biết tôn trọng danh dự của mình, vì vậy, chị đã giúp tôi. Trong xã hội đầy rẫy những trò lừa đảo, việc tin một người xa lạ đó có giá rất đắt nhưng chị vẫn nhiệt tình giúp đỡ.
Cũng trong thời gian này, tôi được sự giúp đỡ của một chú là người “Sài Gòn gốc”. Vô tình, tôi kể câu chuyện cho chú nghe. Chú đã nhiệt tình giúp tôi và vận dụng mọi quan hệ có được để xin cho tôi vào làm một công ty về viễn thông bậc nhất TP.HCM. Chú đứng ra bảo lãnh, lo mọi vấn đề về việc phỏng vấn hay là sự kỳ thị lao động cho tôi.
Những người dân miền Trung hiền lành, tử tế hy vọng sự kỳ thị sẽ được gỡ bỏ. |
Qua chuyện này, tôi chợt có ý nghĩ, hai con người gần như xa lạ với tôi đã có thể đặt niềm tin vào tôi, vậy tại sao mọi người không mở lòng để thử đặt niềm tin vào những người xứ Nghệ, Thanh một lần nữa. Tôi không dám đảm bảo sẽ không có trường hợp gây thất vọng, nhưng tôi kỳ vọng khi sự kỳ thị dần được gỡ bỏ, mọi người sẽ gặp gỡ và hiểu hơn được nhiều về người Thanh, Nghệ chúng tôi.
Tôi cũng muốn gửi gắm đến các bạn cùng cảnh ngộ bị phân biệt đối xử giống như tôi hãy vững lên mà sống. Các bạn phải sống tốt, sống đàng hoàng để sau này con cái, em út của các bạn khi vào đây xin việc, làm ăn không bị đối xử một cách tồi tệ mà nhiều lúc như là tiệt đường sống. Người ta thường bảo “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, nhưng chính chúng ta phải thay đổi cái định kiến đó, để mọi người nhìn chúng ta một cách tôn trọng.