Kinh tế

Những khuất tất của Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum

Khẳng định đang liên kết với hộ dân trên địa bàn trồng sâm Ngọc Linh, nhưng Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (Công ty) không cung cấp được giấy tờ chứng minh cho chính quyền địa phương. Mặt khác, trong việc sử dụng lao động, Công ty này chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định.

Nhập nhèm trong việc liên kết trồng sâm Ngọc Linh

Sau vụ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam dùng giấy xác nhận (bản sao) đã bị thu hồi cung cấp cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để đăng ký công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe không thành, ngày 18/7, Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (thành viên Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam) đã kiến nghị với UBND huyện, khẳng định hiện vẫn đang liên kết với một hộ dân – anh A Thún (thôn Đăk Xia, xã Ngọc Lây), với số lượng 412 cây, độ tuổi từ 1 – 5. Tuy nhiên, khi UBND huyện yêu cầu thì Công ty không cung cấp được giấy tờ chứng minh.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, việc liên kết với người dân trên địa bàn trồng sâm Ngọc Linh của Công ty khá nhập nhèm. Trường hợp anh A Thún (hộ dân được Công ty khẳng định là đang liên kết trồng sâm), đúng là đang làm công nhân tại Công ty theo hình thức trả lương và được đóng bảo hiểm hàng tháng.

Cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Ngọc Lây (trái) và A Ka - con trai anh A Thún đếm, thống kê cây có hình thù giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: VT


Ngày 22/11/2022, anh A Thún có làm đơn xin xác nhận nguồn gốc xuất xứ và tính pháp lý của cây sâm Ngọc Linh khi thực hiện mua bán dân sự với diện tích 1,2ha trồng tại lô 34, khoảnh 8, tiểu khu 232 và được UBND xã Ngọc Lây xác nhận.

Đến ngày 29/11/2022, UBND xã Ngọc Lây có văn bản số 505/UBND về việc xin thu hồi nội dung xác nhận đơn của anh A Thún vào ngày 22/11/22 với lý do sai lệch thông tin trồng và diện tích thực tế của đơn (không phải Quyết định thu hồi).

Trong văn bản xin thu hồi nêu rõ, địa điểm trồng thực tế của anh A Thún là tại tiểu khu 231 do Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô quản lý và giao khoán cho cộng đồng thôn Đăk Prế quản lý với diện tích khoảng 0,01 sào, số lượng 100 gốc, không đúng với đơn xin xác nhận trước đó.

Khi phóng viên gặp trực tiếp anh A Thún và trao đổi với anh về lá đơn xác nhận, anh A Thún cho biết, đơn này do người khác đánh máy, anh chỉ ký và mang đi xác nhận.

Mới đây, ngày 19/6/2023, UBND xã Ngọc Lây có công văn số 242/UBND gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện báo cáo diện tích người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối với hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Trong đó, thống kê hộ anh A Thún có tổng cộng 57 cây, trong đó có 7 cây có khả năng cho quả tại tiểu khu 231.

Chiều 27/7, phóng viên cùng cán bộ chính quyền địa phương đến nhà anh A Thún và gặp vợ anh là chị Y Hạnh. Chị Y Hạnh khẳng định: Gia đình chị đang trồng chỉ hơn 50 cây chứ không phải 412 cây.

Chúng tôi tìm gặp trực tiếp anh A Thún khi anh đang làm việc cho Công ty. Anh A Thún cho biết: Gia đình đang trồng 300, 400 cây sâm Ngọc Linh tại tiểu khu 231. Vì vợ không bao giờ lên vườn nên không nắm được chính xác số lượng.

Khi chúng tôi cố gặng hỏi con số chính xác, anh A Thún nói: “Khoảng 400 cây”. Chúng tôi đề nghị được trực tiếp cùng A Thún đến vườn sâm Ngọc Linh của gia đình anh để xác minh và thống kê số lượng sâm thì anh không đồng ý và bỏ vào nơi làm việc.

Sau đó, chính quyền địa phương đã làm việc với hộ A Thún và hẹn chúng tôi sáng 28/7 sẽ lên vườn để cùng xác minh và thống kê lại số lượng cây sâm Ngọc Linh mà hộ này đang trồng ở tiểu khu 231.

Tuy nhiên, đến sáng hôm sau (28/7), anh A Thún không đến trụ sở UBND xã như đã hẹn trước và cũng không liên lạc được.

Lúc này, đoàn kiểm tra gồm cán bộ xã, trưởng thôn Kô Xia, nhân viên Chi nhánh Lâm trường Ngọc Linh (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) phụ trách địa bàn cùng các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh lân cận với anh A Thún vẫn tiến hành lên vườn sâm.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ len lỏi trong cánh rừng tiểu khu 231, đoàn đã đến được địa điểm trồng sâm Ngọc Linh của các hộ dân thôn Kô Xia, trong đó có hộ anh A Thún.

Tại đây, chúng tôi gặp A Ka là con trai anh A Thún đang túc trực canh giữ vườn sâm.

Sau khi trưởng thôn, mọi người dân trồng sâm trong khu vực xác nhận đúng vị trí vườn sâm Ngọc Linh của anh A Thún, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã cùng con trai anh A Thún đếm số lượng cây sâm Ngọc Linh trong vườn.

Qua tìm, đếm kỹ càng, đoàn xác nhận vườn anh A Thún có 80 cây có hình thù giống sâm Ngọc Linh được trồng cùng khuôn viên rào với hộ anh A Thể.

Sau khi xác minh thông tin và thống kê số lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây Nguyễn Minh Bình đánh giá: Số sâm Ngọc Linh tại vườn anh A Thún tại tiểu khu 231 còn trồng thô sơ do gia đình tự trồng. Gia đình không có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hiện, Công ty không có bất kỳ giấy tờ, hồ sơ nào chứng minh việc liên kết với người dân cung cấp cho UBND xã.

Về vấn đề này, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Về việc thu hồi giấy xác nhận của Công ty, UBND huyện tiếp tục khẳng định là đúng với lý do vì văn bản ban hành chưa đúng quy trình và có nội dung chưa đúng thực tế, cụ thể là chưa có cơ sở khẳng định Công ty có khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện. Ngày 18/7, theo đề nghị của Công ty, đoàn công tác của UBND huyện đã vào làm việc với Công ty nhằm giải quyết kiến nghị. Công ty cho biết, vẫn đang liên kết với hộ dân trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, khi đoàn công tác UBND huyện đề nghị Công ty cung cấp hợp đồng mua bán sâm, danh sách các hộ dân liên kết trồng sâm thì phía Công ty không cung cấp được.

Theo ông Mạnh, việc khẳng định sâm của Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đang ươm nuôi cấy mô, gieo từ hạt và sâm mua từ các hộ dân trên địa bàn có phải là sâm Ngọc Linh hay không phải dựa vào luận chứng khoa học thông qua kiểm định, xét nghiệm gene, ADN. Nội dung này muốn tiến hành phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Liên quan đến việc này, UBND huyện vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cho thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn bộ dự án nuôi cấy mô và các hoạt động của Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum để làm rõ việc triển khai dự án nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Chưa thực hiện đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài nhập nhèm trong liên kết với người dân trồng sâm Ngọc Linh, Công ty này còn chưa thực hiện đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLD, BNN) cho người lao động.

Cụ thể, ngày 27/7/2023, BHXH huyện Tu Mơ Rông đã có văn bản số 109/BHXH-BHTMR gửi Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum về việc khóa giá trị thẻ BHYT theo quy định của Luật BHXH.

BHXH huyện Tu Mơ Rông định kỳ hằng tháng đã gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng đến thời điểm hiện nay Công ty vẫn chưa thực hiện đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động.

Công ty chưa thực hiện đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động. Ảnh: V.T


Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc BHXH huyện Tu Mơ Rông cho biết: Hiện tại, Công ty có 30 lao động, trong đó có 12 lao động tại chỗ. Theo số liệu quản lý của BHXH huyện Tu Mơ Rông, tính đến ngày 30/06/2023 tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị là 160.097.482 đồng, bằng 6 tháng. Số tiền phải đóng của tháng 7/2023 là 45.370.716 đồng. Tổng số tiền phải nộp theo dự kiến hết tháng 7/2023 là 205.468.198 đồng.

Bà Tâm cho biết, BHXH huyện sẽ tiến hành giảm thẻ BHYT (thẻ BHYT hết giá trị sử dụng) theo quy định. Đơn vị phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT. Khi người lao động phát sinh chi phí khám chữa bệnh trong thời hạn thẻ BHYT hết hạn sử dụng, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng và lãi của số tiền chậm đóng BHYT.

Trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh làm ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu này. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có những biện pháp kiên quyết, hữu hiệu ngăn chặn để bảo vệ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh; bảo vệ quyền lợi cho những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tác giả: Văn Tùng

Nguồn tin: baokontum.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP