Mới đây, Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 tại Khu kinh tế Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh.
Phối cảnh dự án điện khí Vũng Áng 3 thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh |
Phía Vingroup mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép khảo sát, nghiên cứu, đầu tư dự án nhà máy điện LNG Vũng Áng 3 tại trung tâm điện lực Vũng Áng 3 thuộc thị xã Kỳ Anh. Vingroup cam kết sẽ đẩy nhanh công tác khảo sát, lập báo cáo và thiết kế nhà máy đảm bảo vận hành hiệu quả, sử dụng nhiên liệu LNG thân thiện với môi trường.
Theo đó, dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ bao gồm xây dựng hệ thống cảng tiếp nhận LNG, kho chứa và nhà máy điện khí LNG. Hệ thống cảng tiếp nhận LNG có công suất 1,5 triệu tấn/năm, gồm nhà máy điện tubin khí chu trình hỗn hợp với tổng công suất 1.600MW.
Diện tích dự kiến để xây dựng nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 gồm 160 ha đất liền và 100 ha đất mặt nước. Tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu 15.000 tỷ đồng chiếm 30% tổng vốn đầu tư, vốn từ nguồn huy động khác là 35.000 tỷ đồng.
Tiến độ vận hành nhà máy dự kiến 30 tháng kể từ ngày được bàn giao mặt bằng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, trước Vingroup, đã có 5 nhà đầu tư lớn bao gồm các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện khảo sát đầu tư dự án điện khí Vũng Áng 3.
Cuối 2019, Cty Siemens và Cty Samsung C&T làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất xin khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh |
Trong đó "ông lớn" thuộc khối doanh nghiệp trong nước là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép đầu tư tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 theo hình thức đầu tư nhà máy điện độc lập (IPP). Tổng mức đầu tư cho tổ hợp điện khí LNG này dự kiến khoảng 3,55 tỷ USD. Diện tích sử dụng cho dự án khoảng 123,8 ha, chưa bao gồm 100 ha diện tích mặt nước. Chủ đầu tư sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Vũng Áng 3 & trung tâm điện lực LNG Vũng Áng 3 có tổng công suất phát điện 3.000 MW.
Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công nghệ áp dụng là tuabin khí chu trình hỗn hợp với số giờ vận hành tại công suất đặt là 6.000 giờ/năm. Dự án sẽ đấu nối lên cấp điện áp 500kV từ sân phân phối của nhà máy đến trạm 500kV Hà Tĩnh.
Theo đề xuất của T&T thì dự án này được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2028-2029 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,123 cent/kWh. Giai đoạn 2 sau năm 2030 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,85 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,629 cent/kWh.
Trước đó, tháng 10/2019, đại diện lãnh đạo Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức) và Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc) cũng đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 từ nguyên liệu than sang khí tại khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đề xuất của Siemens, Công ty dự định sẽ triển khai dự án điện khí có công suất từ 1.200 - 1.500MW tại tại Khu kinh tế Vũng Áng, với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD (bao gồm hệ thống hạ tầng nhập khẩu khí, kho chứa và nhà máy điện khí).
Cũng qua khảo sát sơ bộ, đại diện Siemens cho rằng, Khu kinh tế Vũng Áng là địa điểm đáp ứng được đầy đủ điều kiện xây dựng, phát triển dự án điện khí, do có hệ thống hạ tầng cảng biển tương đối hoàn thiện và gần hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam. Trong đề xuất này, Công ty Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu EPC của dự án…
Trong dự án này, còn có 3 nhà đầu khác cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án điện khí Vũng Áng 3 bao gồm: liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát, Công ty Cổ phần thương mại và tư vấn Tân Cơ, Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hoanh Son Group) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Hoành Sơn được thành lập từ năm 2001, khởi đi từ buôn bán vật liệu xây dựng và kinh doanh các dịch vụ nông sản. Hoanh Son Group hiện có tổng tài sản 6.365 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.302 tỷ đồng.
Hoanh Son Group hoạt động chính ở 3 lĩnh vực thương mại (vận tải hàng hóa, kinh doanh xi măng, phân bón); cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện; sản xuất điện năng lượng mặt trời. Tập đoàn này đang là chủ đầu tư của nhiều dự án tại Hà Tĩnh như dự án điện mặt trời 1.500 tỷ đồng; cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn tại khu kinh tế Vũng Áng 1.400 tỷ đống, nhà máy bia tại thị xã Hồng Lĩnh và tổ hợp nhà ở, văn phòng cho thuê khách tại TP Hà Tĩnh...
Tại dự án điện khí LNG Vũng Áng 3, Hoanh Son Group đề xuất liên danh với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát thực hiện dự án.
Tác giả: Văn Tuân
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư