Thể thao

Nhiều nguyên thủ, quan chức cấp cao thế giới dự Lễ khai mạc Olympic 2024

Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2024 sẽ chính thức diễn ra lúc 00h30 ngày mai 27/7 (theo giờ Việt Nam). Nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là đêm khai mạc Thế vận hội Olympic đặc biệt nhất từ trước tới nay với nhiều nguyên thủ, quan chức cấp cao trên thế giới dự khán.

Nhiều nguyên thủ, quan chức cấp cao quốc gia dự khán đài

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra vào lúc 0h30 ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam) và kéo dài khoảng gần 4 tiếng.

Dự kiến có 160 chiếc tàu thủy, trong đó 94 chiếc chở theo 10.500 vận động viên, diễu hành dọc sông Senine có chiều dài di chuyển khoảng 6km. Khán giả sẽ được bố trí ngồi hai bên bờ sông. Ban tổ chức phát hành 326.000 vé xem lễ khai mạc, cho những chỗ ngồi hai bên bờ sông Seine, trong đó 104.000 vé tính phí. Bên cạnh đó, 80 màn hình lớn đã xuất hiện ở xung quanh Paris để người hâm mộ theo dõi.

Olympic Paris 2024 là sự kiện thể thao được mong chờ nhất năm. Ảnh: Olympic


Theo danh sách được công bố, nhiều nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao của các nước sẽ tham dự sự kiện độc đáo này. Trong đó chắc chắn có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngoài ra, một nhân vật đáng chú ý là Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden. Bà đã có mặt tại Paris và sẽ thay mặt chồng tham dự lễ khai mạc.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tổng thống Mỹ, đồng thời cũng mắc COVID-19. Nhiều quan chức cấp cao tại châu Âu cũng sẽ hiện diện tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 diễn ra trên sông Seine.

Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã xác nhận góp mặt. Được biết ông Starmer có quan điểm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Pháp. Một số thành viên của Hoàng gia Anh cũng đã đến Paris ít ngày trước, nhưng chưa rõ họ có tham dự lễ khai mạc hay không

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis dự kiến cũng sẽ có mặt tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024.

Trong khi đó, Georgia (Gruzia) sẽ góp mặt cả Tổng thống Salome Zurabishvili và Thủ tướng Irakli Kobakhidze.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình không sang Paris. Người đi thay ông là Phó chủ tịch nước Hàn Chính. Các nguyên thủ quốc gia của Qatar, Gabon, Senegal, Argentina, Colombia… xác nhận tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Trong khi đó, phái đoàn của Israel sẽ nhận được sự bảo vệ an ninh đặc biệt do đất nước này đang trong cuộc chiến với Hamas trên Dải Gaza. Trước đó, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Pháp nhằm bày tỏ sự phẫn nộ với Israel.

Để đảm bảo công tác an ninh cho lễ khai mạc Olympic Paris 2024, Pháp đã bố trí hơn 30.000 cảnh sát. Ngoài ra, lực lượng thực thi pháp luật của các nước Anh, Tây Ban Nha, Qatar, Hàn Quốc, Đức, Ba Lan… cũng sẽ hỗ trợ nước chủ nhà.

Tham dự Olympic 2024, các vận động viên (VĐV) tranh tài sẽ ở 32 môn thi đấu, với 329 nội dung khác nhau. Có tổng cộng hơn 10.700 vận động viên từ 206 đoàn thể thao đại diện cho quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phối cảnh lễ khai mạc Olympic 2024. Ảnh: Lequipe


Chủ nhà Pháp năm nay bổ sung thêm môn breakdance (nhảy đường phố). Đây là môn thể thao lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Olympic. Trong khi đó, môn trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng ra mắt tại Tokyo 2020 và tiếp tục có mặt tại Paris 2024. Ở chiều ngược lại, các môn bóng mềm (bóng chày trong nhà) và karate đã bị gạch tên.

Ngoài ra, tại Olympic năm nay, lần đầu tiên nội dung bơi nghệ thuật dành cho nam giới được tổ chức.

Địa điểm thi đấu chủ yếu diễn ra tại sân Stade de France và các địa điểm khác ở Paris. Chỉ có bóng đá, bắn súng, chèo thuyền, bóng rổ và lướt sóng là những môn được tổ chức ở những thành phố khác.

Việt Nam có bao nhiêu vận động viên tham dự Olympic 2024

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên tranh tài ở 11 môn. Trong đó, 14 VĐV giành suất chính thức và 2 người được đặc cách.

Các VĐV đại diện cho thể thao Việt Nam tham dự thế vận hội lần này gồm Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing) và Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).

Đoàn thể thao Việt Nam nỗ lực để giành được nhiều HCV tại Olympic 2024. Ảnh: Quý Lượng


Thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam nằm ở các môn như bắn súng, quyền anh, cử tạ… Hai cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong sẽ tiên phong tranh tài ở vòng loại nội dung cung 1 dây trong ngày 25/7.

Đặc biệt, linh vật của Thế vận hội năm nay là chiếc mũ Phrygian. Đây là biểu tượng của sự tự do trong suốt lịch sử nước Pháp và tượng trưng cho những nhân vật ngụ ngôn của nền cộng hòa Pháp. Câu châm ngôn của linh vật là: "Khi đi một mình, chúng ta sẽ đi nhanh hơn, nhưng khi cùng nhau, chúng ta sẽ đi xa hơn".

Theo đánh giá của siêu máy tính Gracenote, Đoàn thể thao Mỹ có khả năng sẽ đứng đầu ở Olympic. Trong 8 kỳ Olympic từ năm 1992 tới nay, Mỹ đã đứng đầu trong 7 kỳ. Chỉ có duy nhất Olympic Bắc Kinh 2008, họ xếp thứ hai sau chủ nhà Trung Quốc.

Gracenote tính toán Mỹ sẽ giành huy chương ở 28 môn thể thao khác nhau. Trong đó, điền kinh và bơi vẫn là "mỏ huy chương" của Mỹ.

Tác giả: Việt Trung

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP