Tin trong nước

Nhân vật bí hiểm giăng bẫy khách, bán sừng tê giác dỏm ở quán cà phê

Con buôn sừng tê giác dỏm hoạt động theo kiểu “thảo luận kín, giao dịch ngầm”, sử dụng các trò lừa, từng bước đưa người mua vào ảo vọng sở hữu “thần dược” tiền tỷ.

Thảo luận kín, giao dịch ngầm

Cuối ngày, khi không gian của quán cà phê sân vườn X.V. (quận 12, TP.HCM) trở nên mờ ảo, vàng vọt dưới ánh đèn điện, người rao tên C. xuất hiện. C. cho biết vừa tiếp khách hàng đến tìm mua sừng. Mỗi ngày, trung bình C. tiếp hơn chục lượt khách tìm đến hỏi mua, hỏi cách kiểm chứng, phân biệt sừng tê thật, giả,…

“Em vừa tiếp xong hai ông bà từ Bình Dương lên tính mua sừng tê về điều trị bệnh xơ gan cho đứa con độc nhất. Nếu anh không bận, anh đợi em xíu, em chạy về đem sừng ra đây cho anh test (kiểm tra – PV) thoải mái”, C. trao đổi với PV. Sau cái gật đầu của PV, C. rời quán, biến vào dòng người tấp nập.

C. giới thiệu đoạn sừng được cho là sừng tê giác (Ảnh: Hà Nguyễn)

15 phút sau, C. trở lại quán, đặt chiếc hộp giấy trông khá bắt mắt, nói: “Cái này em có được từ thời ông cố ngoại. Xưa, ông cố ngoại em làm thợ sửa xe tải chạy tuyến Sài Gòn -Tây Nguyên nên quen biết nhiều tài xế chở hàng lậu từ trên đó về. Sau này, một tài xế được ông cố ngoại em sửa miễn phí cho nhiều lần nên rất quý ông. Người này đưa cho ông một chiếc sừng dài chừng 20cm nói là sừng tê lấy từ rừng Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Anh ta bảo sừng này quý lắm, có bệnh chỉ cần đem sừng mài ra uống với nước là hết”.

Quan sát trực tiếp, PV nhận thấy miếng sừng bóng nhẵn ngả màu vàng nâu. Từ mặt bị cắt, đoạn sừng hiện rõ các vân như vân gỗ. Đặc biệt, phía gốc sừng bị rỗng ruột.

“Anh xem, dấu mài còn nguyên vì nhà em vẫn đang mài ra uống hàng ngày. Sừng giả không có vết mài này đâu. Trước đây nó dài lắm, khoảng 20cm lận nhưng nhà mài ra uống nhiều quá giờ chỉ còn nhiêu đây. Nhưng như thế cũng quý lắm rồi. Cái này giờ là “” “duy ngã độc tôn” rồi”, C. giới thiệu.

Đoạn sừng rỗng phần gốc và có vân như vân gỗ (Ảnh: Hà Nguyễn)

Về việc khúc sừng bị rỗng ruột, C. khẳng định đó là dấu hiệu để nhận biết sừng thật, sừng giả. Tuy nhiên, khi liên hệ, tiếp xúc trực tiếp những người bán khác, PV lại được tư vấn cách nhận biết sừng thật, giả khác biệt.

Anh N.V.H. (45 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Mua thứ này dễ bị lừa lắm. Giờ người ta làm giả y như thật. Có khi đó chỉ là sừng bò, sừng trâu nước thôi. Sừng tê thật không rỗng ruột mà đặc từ đầu đến cuối. Nó không mọc ra từ xương sụn mà mọc từ da nên khác với các loại sừng khác. Ở đây tôi bán sừng thật 100% được “ship” (chuyển-PV) từ Châu Phi về, đảm bảo chất lượng. Cái này mài ra nó đục như sữa, uống vào mọi bệnh tật từ nặng đến “bác sĩ chê” đều tiêu tan”.

Những cú lừa chuyên nghiệp

Khẳng định “hàng” của mình là “sừng nhập”, H. hét giá từ 35-37 triệu/100g sừng tê giác, tương đương 350-370 triệu/kg.

H. cho biết: “Sừng này bị cấm buôn bán rồi. Hiện tôi chỉ còn 1 chiếc sừng này thôi. Nó nặng 400gr, tôi bán theo đúng giá là 140 triệu. Nếu anh thực lòng muốn mua, tôi nhượng lại luôn cho anh chiếc đĩa sứ chuyên để mài sừng làm thuốc”.

Để tạo niềm tin với khách, H. gọi người nhà đem chiếc đĩa sứ cùng một cốc nước ấm lên để trực tiếp mài sừng ra uống. H. rót nước ấm vào trong đĩa rồi mài chiếc sừng xuống đáy đĩa cho đến khi được một dung dịch sệt sệt, màu đục. H. uống trước mặt PV và cho biết người có bệnh uống vào bệnh nặng đến mấy cũng hết.

Nhân viên quán cà phê X.V. giới thiệu “sừng tê nhập” từ Châu Phi (Ảnh: Hà Nguyễn)

Lương y Nguyễn Thái Bình (phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM) người nổi tiếng chữa các bệnh hiểm nghèo bằng sừng tê, sừng dinh cho biết: “Tôi nghĩ đây là sừng tê giả. Nước ta hiện chỉ còn vài con tê giác, lấy đâu ra sừng mà mua bán. Nếu là sừng tê thật, nhập từ Châu Phi thì người bán không dám công khai quảng cáo, đăng bán tràn lan như vậy. Sừng tê đã bị cấm buôn bán rồi. Nếu có thật, họ chỉ bán qua mối quen biết tin cậy, bán trong bí mật chứ không bán kiểu gần như công khai như vậy được”.

Trong khi đó, con buôn luôn tìm mọi cách giăng bẫy, khiến người mua “tối mắt” trước những chiêu “có đầu tư”. Nhiều nạn nhân cho biết, người bán thường xuyên hẹn gặp khách tại các địa điểm mà họ quen thuộc. Nếu giao dịch không thành công, người bán ra về thì gần như ngay lập tức, nhân viên của quán sẽ tiếp cận, cho biết mình cũng có sừng quý, ngỏ ý muốn bán.

PV trực tiếp ghi nhận sự thật trên tại quán cà phê X.V. Sau khi PV từ chối giao dịch với C., khi người này rời khỏi quán, nhân viên của quán lập tức lấy cớ rót thêm trà đá cho PV, nói: “Anh này hay bán sừng tê ở quán em. Không biết thật giả thế nào. Nhưng vừa may em cũng có loại sừng này. Tháng trước, em có người bà con đi Châu Phi về cũng gửi về cho em một miếng bảo là sừng tê giác”.

Nói xong, cô này vào quán, đem ra cho PV một miếng sừng và cho đó là sừng tê giác thật từ Châu Phi. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm, hiểu biết về sừng tê đều khẳng định đó chỉ sự sắp đặt của các tay buôn sừng rởm để người mua “tối mắt”.

Mua bán sừng tê giác là hành vi vi phạm pháp luật

Luật sư Nông Minh Đức, đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Việt Nam đã tham gia công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp – PV) từ năm 1994, chúng ta phải tuân thủ những quy ước của quốc tế. Do đó, việc mua bán sừng tê giác là hành vi trái phép và bị pháp luật nghiêm cấm. Mức phạt cho việc vi phạm này có thể lên tới bảy năm tù cùng với khoản đóng phạt lên tới 20 triệu đồng, ngoài ra người vi phạm còn bị nghiêm cấm đảm nhiệm một số chức vụ ở một số vị trí nhất định trong thời gian 5 năm”.

Hà Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP