Tin Liên Quan

Nhà thầu Trung Quốc: Chuyện không bình thường

Chuyện nhà thầu Trung Quốc sau khi trúng thầu các dự án thường mang theo lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, vào VN làm việc lâu nay là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Một thời gian dài, dư luận được lý giải rằng, hàng nghìn lao động không phép làm việc trong các dự án trọng điểm, các khu kinh tế lớn nói riêng, các cơ quan quản lý nhà nước thiếu thông tin chính xác về lao động (LĐ) nước ngoài nói chung là do thiếu các quy định luật pháp. Nhưng khi bộ luật LĐ được sửa đổi, Nghị định 102/2013/NĐ-CP, rồi Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH ra đời (có hiệu lực từ 10.3.2014), câu chuyện về quản lý đối với LĐ nước ngoài vẫn không mạch lạc hơn.

Trong lúc vẫn nhì nhằng với LĐ phổ thông Trung Quốc (TQ) thì các quy định thiếu thực tế của việc cấp giấy phép LĐ lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong việc bổ sung nhân sự là chuyên gia, kỹ sư có đủ năng lực, trình độ cao – điều mà VN đang cần và còn thiếu. Rất nhiều DN công nghệ cao hoặc các cơ sở đào tạo bị gây khó dễ trong việc tiếp nhận LĐ trình độ cao người nước ngoài do các quy định hành chính cứng nhắc về kinh nghiệm công tác, lý lịch tư pháp…

Và câu chuyện UBND tỉnh Trà Vinh cấp phép cho một DN TQ, đưa tới hơn 2.100 LĐ TQ vào làm việc tại một nhà máy điện, trong khi đang phải chi 10,6 tỉ đồng trả trợ cấp thất nghiệp cho 1.749 LĐ địa phương, là bằng chứng một lần nữa cho thấy những bất cập, lộn xộn trong quản lý LĐ người nước ngoài không nằm ở các quy định luật pháp mà ở ý chí của chính quyền địa phương, của những người nắm quyền quản lý trực tiếp. Việc cơ quan quản lý nhà nước đôi khi không sẵn sàng cho nhập khẩu LĐ trình độ cao, nhưng lại thừa sốt sắng tạo điều kiện cho LĐ phổ thông nước ngoài thoải mái cạnh tranh với LĐ trong nước có điều gì đó không bình thường, nếu không muốn nói là bất thường.

Trả lời của chính quyền tỉnh Trà Vinh, rằng phải cấp phép cho LĐ TQ là do không tuyển được LĐ địa phương chỉ là để đối phó với công luận. Không thể tuyển được vài nghìn LĐ (kể cả là LĐ có tay nghề) cho một nhà máy điện, thì có lẽ việc đầu tiên chính quyền phải làm là xem xét sự tồn tại của cơ quan tham mưu về LĐ, việc làm, hệ thống các trường nghề và trung tâm giới thiệu việc làm của địa phương.

Cũng giống như Hà Tĩnh, cần phải xem xét năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương khi mà cố gắng lắm mới đưa được 5.300 LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2013, nhưng lại dễ dàng để cho 1.910/3.250 LĐ TQ làm việc chui tại địa phương (?). Số LĐ không phép này có thể là LĐ phổ thông (không thuộc đối tượng được cấp phép), cũng có thể là LĐ đủ điều kiện nhưng DN không xin phép do thủ tục nhiêu khê. Bất kể là lý do gì thì ở đây vai trò quản lý nhà nước cũng không làm hết trách nhiệm.

Theo luật pháp hiện hành, việc quản lý, cấp phép cho LĐ nước ngoài được phân cấp cho các địa phương. Nhưng không vì thế mà cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về LĐ là Bộ LĐ-TB-XH không còn chịu trách nhiệm gì về những lộn xộn, bất cập đó. Nếu phát hiện là do pháp luật thiếu thì bổ sung, do điều hành chưa tốt thì phối hợp; còn nếu có sự khuất tất, vi phạm pháp luật thì phải bảo đảm chế tài. Mà chế tài trách nhiệm cá nhân vi phạm luôn là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết mọi lộn xộn.

An Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP