Kinh tế

Nhà máy đường “niêm phong”, nông dân tiếp tục cầu cứu

Người trồng mía tỉnh Bình Định như ngồi trên đống lửa vì nhà máy đường Bình Định dừng hoạt động để khắc phục môi trường. Thế nhưng, người trồng mía ngoài lo lắng diện tích mía chậm thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến năng suất mà còn bị thương lái chèn ép giá.

UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vừa có văn bản đề nghị Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) tổ chức thu mua mía nguyên liệu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện này trước ngày 10/5, để đảm bảo năng suất cho người dân và triển khai trồng mới vụ tiếp theo kịp thời vụ.

Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) đóng tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Theo ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, hiện trên địa bàn huyện, ước còn khoảng 5.000 tấn mía (90 ha) mía nguyên liệu của bà con nông dân chưa thu hoạch. Tuy nhiên, trước việc Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) dừng hoạt động để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường khiến người dân trồng mía gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, UBND huyện Tây Sơn - nơi “đại bản doanh” của Công ty CP Đường Bình Định đóng tại đây cũng đã có văn bản đề nghị Nhà máy đường An Khê tổ chức thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn huyện, từ ngày 4/4 đến 30/4.

Theo đại diện Nhà máy đường An Khê, hiện nay, riêng huyện Tây Sơn còn không quá 20.000 tấn mía. Nhà máy này cam kết sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân trong tháng 5/2018.

Nhiều diện tích mía đã quá thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa được nhà máy thu mua khiến nông dân lo lắng.

“Hiện nay, Nhà máy đang mua mía ổn định với giá 800.000 đồng/tấn (10 chữ đường) và hỗ trợ tiền vận chuyển 200.000 đồng/tấn. Những ngày qua, do tình hình thiếu nhân công thu hoạch nên nhà máy chỉ thu mua 400 tấn/ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình nhân công thu hoạch, trong thời gian đến, nhà máy không hạn chế và sẽ lập lịch thu hoạch hợp lý, đảm bảo thu hết mía trong tháng 5/2018”, đại diện Nhà máy đường An Khê khẳng định.

Trong khi đó, người trồng mía vẫn như ngồi trên đống lửa vì hàng trăm ha mía đã quá thời kỳ thu hoạch nhưng chưa được nhà máy thu mua. Mía bị khô, năng suất giảm, rồi rủi ro mía bị khô dễ gây cháy có khi còn trắng tay. Chưa kể, người nông dân còn bị thương lái chèn ép giá khi nhà máy đường Bình Định dừng hoạt động.

“Năm ngoái, mía bán đạt 900.000 đồng/tấn, chừ phí bao chặt và vận chuyển 200.000 đồng/tấn, nông dân có lời. Năm nay, khi nhà đường Bình Định dừng hoạt động, không thu mua mía thì bị thương lái chèn ép giá. Hiện, có nơi thương lái vào mua thẳng tay chỉ 400.000 - 500.000 đồng/tấn, phí bao chặt và vận chuyển cũng tăng lên 250.000 đồng/tấn. Như vậy, 1 tấn mía nông dân mất 200.000 - 300.000 đồng”, ông Võ Đình Xuân ở xã Tây Giang, cho hay.

Không ít người dân huyện Tây Sơn "sợ" cây mía nên chuyển sang trồng mì (sắn).

Còn ở một “mặt trận” khác, mối quan hệ giữa Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) với các đại lý, người nông dân đang bị rạn nứt. Sau lệnh cấm Bisuco dừng hoạt động, hàng ngày có hàng chục xe tải hạng nặng chầu chực trước cổng nhà máy, không phải để cung ứng nguyên liệu hay vận chuyển sản phẩm ra thị trường mà tranh thủ tận thu đường để “cấn” nợ.

Anh Đỗ Đình Cư (ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), người cung ứng cho Bisuco 3.000 tấn mía với giá 900.000 đồng/tấn kể cả tiền vận chuyển, cay đắng nói: “Hết cách rồi chúng tôi mới phải xiết nợ kiểu này. Lấy tấn đường ra, bán lại lòng vòng qua đại lý, lời lãi rơi rụng hết trơn. Còn hơn 1 tỷ đồng chôn trong đó, không biết bao giờ tôi mới “cấn” xong đây…”.

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP