Đơn vị hiện có 45 biên chế, trong đó, khoảng 10 người ở bộ phận hành chính; 2/3 diễn viên đều đã lớn tuổi nên để dàn dựng các vở diễn là điều hết sức khó khăn. Hiện tại, hàng năm, nhà hát phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để ký hợp đồng với 10 diễn viên trẻ. Tuy nhiên, đồng lương eo hẹp, đời sống khó khăn nên các diễn viên cũng phải tất bật làm thêm để mưu sinh, khiến việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ không còn là ưu tiên số một.
Kinh phí hạn hẹp, diễn viên cao tuổi… đang là những “rào cản” đối với hoạt động của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. |
Bên cạnh đó, việc phát triển mảng kịch, đặc biệt là kịch dân ca của nhà hát dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt – một khán giả ở TP Hà Tĩnh bày tỏ sự tiếc nuối: “Với tôi, những vở kịch dân ca thực sự có sức cuốn hút. Trước đây, Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh đã dàn dựng một số vở kịch hay như Mai Thúc Loan, Hoa khôi dạy chồng… nhưng lâu nay, loại hình này dường như đã biến mất khỏi sân khấu”. Được biết, loại hình kịch ở nhà hát Hà Tĩnh chỉ tồn tại một thời gian ngắn sau khi chia tách tỉnh, sau đó không thể duy trì bởi kinh phí dàn dựng hạn hẹp và số lượng diễn viên quá ít (8 người), chủ yếu đã lớn tuổi, lại không có đào tạo thay thế.
Vấn đề về cơ sở vật chất cũng đang là một khó khăn lớn của nhà hát hiện nay. Thiếu phòng làm việc, trang thiết bị xuống cấp, xe tải sân khấu thường xuyên bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho việc lưu diễn… Thời gian qua, đơn vị đã được trung ương và tỉnh đầu tư trên 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và củng cố cơ sở vật chất, tuy nhiên, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện, không gian chật hẹp của hội trường cơ quan được trưng dụng thành nơi tập chung của 3 đội: ca, múa, nhạc. Ước mơ của các diễn viên có phòng tập riêng cho mỗi đội chưa thể trở thành hiện thực. Trong khi đó, kế hoạch về xây dựng không gian bảo tồn nghệ thuật truyền thống để góp phần giúp nhà hát thực hiện đúng chức năng theo tên gọi vẫn còn nằm trong… định hướng!
Thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đơn vị xây dựng một số chương trình dân ca ví, giặm được sưu tầm bằng lời cổ, đồng thời, đưa thêm một số lời mới trên nền chất liệu dân gian như: Ví phường nón, Ví phường vải, O hàng bán rượu, Đất Đồng Môn dệt vải, Thằng bần…; hay dàn dựng nghệ thuật múa rối truyền thống. Tuy nhiên, do không có kinh phí để tham gia các kỳ liên hoan chuyên nghiệp ở khu vực, trong nước và quốc tế nên việc quảng bá hình ảnh và các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm vẫn còn hạn chế.
Con đường phát triển của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đã được định hướng rõ ràng nhưng để phát triển, nhà hát cần có đội ngũ được đào tạo bài bản. Gắn với đó là việc xây dựng các chương trình nghệ thuật để phục vụ công chúng. Điều này cán bộ, diễn viên nhà hát vẫn đang cố gắng, nhưng để thực hiện một cách hiệu quả, cần sự quan tâm của cấp trên trong việc khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.
Thúy Ngọc/ Baohatinh.vn